Hồi ấy, gia đình tôi sống ở thị trấn Quảng Hà. Bố mẹ thường gửi tôi nhờ ông ngoại chăm nom. Tôi sống bên ông ngoại từ nhỏ, ông rất thương tôi. Ở nhà, ông đút cơm cho tôi ăn, dạy tôi học, kể chuyện cổ tích cho tôi nghe, đưa tôi đi chơi, mua tặng tôi những đồ vật yêu thích... Khi tôi mới tập nói vẫn còn ngọng đã biết thường xuyên nũng nịu "Ông bế cháu đi chơi hàng.......h...óm!!!". Ông không bao giờ nặng lời với tôi mà luôn ân cần bao dung.
Nhờ Ông, tôi trở thành một người có nề nếp. Ông dạy tôi để đồ đạc ngăn nắp cho dễ nhớ, quần áo đi học về treo lên một chỗ gọn gàng. Mỗi sáng thức dậy, ông bảo tôi nên thường xuyên tập thể dục để rèn luyện thân thể khỏe mạnh. Trong mắt tôi, ông còn giống như một người bạn.
Năm học cấp 1, có lần không biết vì lí do gì đó tôi bị phạt về muộn. Tôi nhớ lúc đó mình mang bộ mặt oan ức pha chút lầm lì về nhà. Ông ngoại vẫn ngồi trước sân ngóng tôi như mọi ngày. Thấy tôi hôm nay rầu rĩ khác hẳn lại bị bạn bè mách lẻo với ông một cách trêu chọc, ông ngoại không dò xét trách móc gì mà chỉ nhìn tôi với gương mặt tươi cười. Ông còn nhẹ nhàng động viên làm tôi vui lên và quên hẳn chuyện buồn vừa xảy ra. Tôi thật may mắn vì có ông ngoại thương yêu mình như vậy.
Năm tôi học lớp 3, Ông ngoại chuyển về Móng Cái sống. Tôi ít được gặp ông hơn. Thời gian đó mỗi khi nhớ ông ngoại tôi lại mang chiếc ví ông mua cho ra ôm và khóc... Trong cuộc sống, một vật nào đó có giá trị và ý nghĩa đối với người này nhưng có thể chẳng có giá trị và ý nghĩa gì đối với những người khác. Đôi khi, một vật quí giá không phải bởi giá trị nghệ thuật hay giá trị kinh tế nhưng lại quí giá bởi nó là kỉ vật mang ý nghĩa gợi nhớ đến những người thân yêu nhất trong gia đình và cuộc sống của mình. Tôi giữ chiếc ví tới tận bây giờ như một kỉ vật tuổi thơ về tình cảm của hai ông cháu.
Năm học lớp 9 tôi chuyển xuống Móng Cái ở nhờ nhà ông ngoại. Nếu được quay lại thời gian đó, mỗi sáng tôi sẽ dậy thật sớm tập thể dục với ông, lại cùng ông ăn bữa sáng, đi bộ dọc phố, cùng đọc thơ và bàn luận về những cuốn sách...
Suốt thời gian kiến tập ở nhà, gia đình tôi không được vui, tôi thường ngồi bên máy tính với đống sách vở và gặm nhấm nỗi buồn...
Cảm giác mỗi chiều hai chị em sang chơi với ông bà thật thú vị, ít người nhưng tình cảm và bình dị. Ông hay nhìn chị em tôi với ánh mắt rất rạng ngời hiền từ. Chắc ông vẫn chưa yên tâm cho cuộc sống của chúng tôi. Dòng họ thay đổi quá nhiều, tôi nhớ về những ngày xa xăm khi tất cả chúng tôi còn nhỏ đều quây quần ở nhà ông, những buổi tối mất điện thật là vui và ấm áp tiếng cười. Giờ vắng lặng. Một buổi tối mất điện hè năm nay tôi sang ngồi trước nhà hóng gió với ông, hát ông nghe bài quan họ duy nhất mới học được mặc dù không hợp giọng cho lắm. Nhưng tôi vui nhất là hát cho ông ngoại nghe, tôi thích học nhạc hơn cũng vì ông ngoại. Hai ông cháu nhìn xe cộ qua lại, im lặng tưởng nhớ về những tháng ngày đã qua...
Cuộc sống khi tôi về nhà giờ bình dị như vậy. Chỉ có thế nhưng cũng đủ là lí do tôi kéo dài thêm thời gian nghỉ, không lên Hà Nội sớm như mọi người. Tôi muốn tranh thủ thời gian ở gần ông. Hồi Bố mất tôi ôm Ông oà khóc và nói: "Bố cháu mất rồi, Ông phải giữ sức khoẻ và sống thật lâu với cháu..." Tôi nói mà nước mắt cứ tắc nghẹn cả họng...
Vì tôi chưa làm được gì cho Bố nên khi Bố đi rồi thì tôi càng quan tâm tới Ông nhiều hơn. Mỗi lần đi học xa về tôi luôn nghĩ tới quà cho ông ngoại đầu tiên. Món quà ông hay dùng nhất là chiếc khăn tôi tặng khi còn là học sinh, tôi rất vui vì ông luôn quàng nó vào mùa đông. Tôi đã tâm sự nhiều với ông, lúc này thì ông là người gần gũi với tôi nhất và ông cũng rất hiểu tôi, luôn đứng về phía tôi, lên tiếng bênh vực tôi... Ông ngoại là chỗ dựa tinh thần lớn cho tôi. Thời gian và cuộc sống kéo theo những sự thay đổi mà người ta không thể dự đoán được trước đó nhưng ông ngoại vẫn thân thiết với tôi như ngày nào.
Ông ngoại là người thân tôi gắn bó yêu quí nhất. Tôi luôn lẩn trốn ý nghĩ về bệnh tật của ông ngoại, tôi không muốn đối diện với sự thật, tôi luôn hi vọng... Nghe mọi người nói về bệnh ông tôi đau lòng lắm...Tôi lại nghĩ về sự chia li và tôi cảm thấy sợ hãi vô cùng... Sức khoẻ của ông còn trụ được như vậy là nhờ thuốc, nghĩ tới đó là tim tôi thắt lại...
Tôi phải chấp nhận rằng cả niềm vui và nỗi buồn là những điều tự nhiên của cuộc sống. Rồi tôi sẽ phải đón nhận niềm vui và nỗi buồn như những điều vốn có của cuộc đời mình. Nhưng phép màu thường xảy đến với những ai tin vào chúng. Phải, tất cả chỉ là chuyện niềm tin, và nếu chúng ta tin vào điều gì đó, thì đó sẽ là thực, đúng không? Và nếu có đủ người tin vào một điều chung, thì đó là thực tế. “Nếu ta vẫn lạc quan, tin rằng mỗi bài ca là một lời cầu nguyện thì dù có bị giam cầm trong nghịch cảnh, ta cũng có thể tìm thấy an bình...”