Hãy đừng quyết định tương lai của mình chỉ bằng một ý thích cảm tính vì điều đó quá mông lung cho một định hướng nghề nghiệp.
Phần đông mọi người nghĩ rằng, người học Văn ra chỉ có thể đi dạy học, như những anh giáo làng ngày hai buổi cần mẫn đến trường. Một số ít khác lại liên tưởng đến hình ảnh những con người mơ mộng, lãng mạn, tài làm thơ lại khéo mồm tán tụng. Bạn có quyền nghĩ như họ, nhưng nếu đã lựa chọn theo đuổi ngành Văn học thì hãy có nhiều lí do hơn một câu trả lời rằng “Vì tôi thích học Văn”. Hãy đừng quyết định tương lai của mình chỉ bằng một ý thích cảm tính vì điều đó quá mông lung cho một định hướng nghề nghiệp.
Ước mơ là tài sản vô giá của tuổi trẻ, hãy dùng nó để mua lấy những mục tiêu cuộc đời. Nếu bạn có mong muốn trở thành phóng viên trong các lĩnh vực báo viết, báo hình, báo mạng, báo nói; giảng viên trong các trường đại học hay giáo viên cấp III; nhà nghiên cứu văn học; nhà biên kịch; biên tập viên tại các nhà xuất bản; nhà quản lí tại các đơn vị làm công tác văn hoá, nhà hoạt động xã hội trong các tổ chức chính trị, xã hội…, Khoa Văn học là nơi có thể chắp cánh cho những ước mơ đó của bạn.
Khám phá cơ hội tìm hiểu và học tập những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới và Việt Nam, cơ hội gặp mặt những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và những nhà nghiên cứu tên tuổi, cơ hội được tiếp cận một lĩnh vực học tập mới mẻ và hấp dẫn là Nghệ thuật học, tham gia các lớp học về Biên kịch Điện ảnh…
NGƯỜI LÀM BÁO
Hãy thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống để “săn tin”. Một cảnh ngộ khó khăn cần được xã hội giúp đỡ, một gương mặt học sinh nghèo đỗ thủ khoa cần vinh danh, một hành động đánh đập trẻ em tàn nhẫn cần lên án… Tất cả đều có thể là những câu chuyện để bạn đưa lên mặt báo.
Năng lực bạn cần có:
Bạn trước tiên phải là người giàu lòng trắc ẩn, biết rung cảm trước những cảnh đời éo le, biết căm phẫn trước những bất công xã hội và khao khát góp công sức làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thay vì chỉ lên án và phê phán nó.
Với tính chất nghề nghiệp là phải đưa các thông tin nhanh, mới, cập nhật nên sự năng động và nhạy bén là tố chất không thể thiếu đối với người làm báo. Nghề báo đôi khi còn đòi hỏi bạn phải có một tinh thần quả cảm và dám hi sinh. Và tất nhiên, một kĩ năng rất cần thiết là bạn phải có khả năng viết lách tốt, nếu nó chưa phải là năng lực bạn hiện có thì sẽ phải là mục tiêu để bạn phấn đấu nếu muốn lựa chọn nghề này.
Bạn có thể xin việc ở đâu? Tất cả các cơ quan báo chí và truyền thông trên toàn quốc
Nhu cầu xã hội: Một xã hội “khao khát” thông tin như hiện nay luôn cần sự góp sức của các phóng viên. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao chúng ta có thể trở thành những phóng viên có năng lực.
BIÊN KỊCH ĐIỆN ẢNH - TRUYỀN HÌNH
Xây dựng kịch bản cho phim điện ảnh, phim truyền hình (cốt truyện, các nhân vật, phân tập, phân đoạn…)
Năng lực bạn cần có:
Nếu bạn yêu thích điện ảnh, văn học, truyền hình, nếu bạn có trí tưởng tượng phong phú, những ý tưởng độc đáo và yêu thích sự sáng tạo, nếu bạn là người có khả năng quan sát tinh tế và khả năng sử dụng ngôn ngữ sắc sảo, có lẽ bạn nên suy nghĩ đến công việc làm một nhà biên kịch điện ảnh hoặc truyền hình.
Tất nhiên, để làm tốt công việc này bạn cần phải đọc nhiều các tác phẩm văn học của Việt Nam và thế giới, cần tích luỹ một vốn kiến thức, hiểu biết xã hội rộng lớn. Nếu có thể, hãy đừng bỏ qua những cơ hội để trải nghiệm và lăn xả vào cuộc sống.
Hãy thường xuyên đặt câu hỏi cho chính mình, nếu bạn là khán giả bạn sẽ thích xem một bộ phim như thế nào?
Bạn có thể xin việc ở đâu? Bộ phận biên kịch của các đài truyền hình, các hãng sản xuất phim của nhà nước và tư nhân, các công ty truyền thông, các công ty chuyên viết kịch bản… Nếu có năng lực, thậm chí bạn có thể là một nhà biên kịch tự do.
Nhu cầu xã hội: Nhu cầu tìm kiếm các kịch bản hay đang là vấn đề nan giải của các nhà sản xuất phim trong nước, và đó chính là cơ hội cho các nhà biên kịch thử sức.
BIÊN TẬP VIÊN TẠI CÁC NHÀ XUẤT BẢN
Chỉnh sửa bản thảo các cuốn sách, tìm kiếm ý tưởng xây dựng các đầu sách phục vụ đời sống.
Năng lực bạn cần có:
Để có thể cho ra đời một cuốn sách được bạn đọc đón nhận, biên tập viên phải nắm bắt chính xác nhu cầu tìm hiểu tri thức của xã hội, cụ thể là phải biết độc giả đang cần loại sách gì.
Bạn đặc biệt phải tích luỹ một vốn từ tiếng Việt phong phú, đặc biệt các thuật ngữ chuyên môn trong lĩnh vực sách mà bạn phụ trách (văn học, khoa học, sách thiếu nhi).
Ngoài ra, sự tỉ mỉ, cẩn thận, kiên trì được xem là tố chất hàng đầu của một biên tập viên bởi vì bạn phải biết rằng chính những trang bản thảo dày đặc chữ sẽ là người bạn đồng hành với bạn trong công việc này.
Bạn có thể xin việc ở đâu? Mọi đơn vị xuất bản trên toàn quốc đều có thể là lựa chọn của bạn như: Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà xuất bản Tri Thức, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia…..
Nhu cầu xã hội: Chừng nào xã hội còn cần sách, chừng đó luôn còn chỗ đứng cho nghề biên tập viên.
CÁC CƠ HỘI VIỆC LÀM KHÁC
Nếu bạn có thành tích học tập tốt hoặc xuất sắc, nếu bạn say mê nghiên cứu và mong muốn được chia sẻ hiểu biết của mình với nhiều người hơn, bạn hãy lựa chọn nghề làm giảng viên tại các trường Đại học.
Bạn có thể làm nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu: Viện nghiên cứu Văn học, Viện nghiên cứu Văn hoá…
Học thêm một chứng chỉ sư phạm, bạn hoàn toàn có cơ hội trở thành giáo viên tại các trường Trung học phổ thông trên toàn quốc, đặc biệt các trường học tại địa phương.
Cán bộ tại các cơ quan văn hoá thông tin cấp thành phố, tỉnh, huyện: Sở Văn hoá, Phòng Văn hoá…
Cán bộ hoạt động phong trào: Trung ương Đoàn thanh niên, Trung ương Hội sinh viên, các Tỉnh đoàn địa phương, Uỷ ban nhân dân các thành phố…