Ướt như chuột lột
Điều đáng băn khoăn ở thành ngữ này là tại sao lại có thể nói “Ướt như chuột lột?” Chuột lột thì có liên hệ gì đến sự ướt át? Theo nhiều ý kiến, dạng đích thực của thành ngữ “ướt như chuột lột” phải là “ướt như chuột lụt”. Trời mưa lụt, nước ngập trắng bão trắng đồng, lũ chuột đâu còn chỗ ẩn náu, buộc phải lóp ngóp bơi trong nước trông mới tang thương thảm hại làm sao! Người chạy lụt đã khổ, nhưng chuột chạy lụt lại càng khốn nạn hơn. Bởi vậy, nói “ướt như chuột lụt” mới lột tả được sự gian truân vất vả, sự ướt át và thực trạng đáng thương của tất cả những ai phải chịu cảnh dầm mưa dãi nắng. Nhưng tại sao từ chuột lụt lại chuyển sang chuột lột? Có lẽ do hình ảnh con chuột bị ướt trong những ngày lụt lội ít được người đời quan sát, nên không để lại ấn tượng đậm và phổ biến trong dân gian, dễ dàng di chuyển, bỏ qua. Mặt khác, do vần uột và ụt đứng kế tiếp nhau khó phát âm; theo nguyên tắc đồng hoá trượt, ụt được trượt sang ột dễ đọc hơn. Thứ ba, trong thành ngữ, nghĩa toàn phần có thể được nhận biết nhờ vào phần đứng đầu là ướt và người bản ngữ thấy có thể thoả mãn điều mình nói, mình nghe.
Thái Hà đọc và tổng hợp theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ
HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
VIỆN NGÔN NGỮ HỌC
NXB VĂN HÓA SÀI GÒN