Thứ bảy, 20/04/2024 - 03:37

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN V

Chuyện kể: Tương truyền thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn hay đến mấy vẫn bị thầy cho điểm kém...

Vàng thau lẫn lộn

Vàng, thau là hai kim loại khác nhau. Vàng thuộc loại kim loại quý, hiếm, có giá trị cao. Còn thau chỉ là hợp chất giữa đồng và kẽm, có màu vàng lợt. Về hình thức, vàng và thau có màu sắc như nhau, dễ nhầm lẫn. Nhưng về bản chất, vàng, thau hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng cùng một hạng, một thang giá trị. Đối với con người và các hiện tượng trong cuộc sống cũng tương tự như vậy. Giữa cái tốt, cái xấu, cái thật, cái giả, giữa cái đúng và cái sai... đôi khi dựa vào hình thức để phân biệt, nhận biết tính xác thực của chúng cũng không đơn giản. Sự nhầm lẫn trong đánh giá, nhận biết các chân giá trị này, thường được nhân dân ta biểu thị bằng thành ngữ "vàng thau lẫn lộn".

Trong tiếng Việt, thành ngữ "vàng thau lẫn lộn", ngoài việc hàm chỉ sự nhận thức lẫn lộn các chân giá trị, còn được để đánh giá bản chất của các hiện tượng, các hành động. Một xã hội "vàng thau lẫn lộn", một tập thể "vàng thau lẫn lộn"... cũng là một xã hội, một tập thể không còn thể thống, không còn nề nếp và đang suy thoái, lộn xộn, đảo điên.

Vô tình đánh giá, nhận biết sai các chân giá trị, làm cho "vàng thau lẫn lộn" là chuyện thường gặp. Đó là kết quả của trình độ nông cạn, thiếu kinh nghiệm và đôi khi còn là kết quả sự cẩu thả thiếu thận trọng, "nhìn gà hoá cuốc". Nhưng cố ý làm cho "vàng thau lẫn lộn", để đổi trắng thay đen lại là hành động có ý thức, hành động bịp bợm, thâm hiểm. Bản chất xấu xa ti tiện của loại hành động này cần được vạch mặt chỉ tên.

 

Văn hay chữ tốt

Thành ngữ chỉ: Người học giỏi, thông minh, tài hoa. Còn có câu: Chữ tốt văn hay. Ngược với câu: Văn dốt võ nát.

Chuyện kể:

Tương truyền thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn hay đến mấy vẫn bị thầy cho điểm kém.

Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:

- Gia đình già có việc oan uổng muốn kêu quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn.

Cao Bá Quát vui vẻ trả lời:

- Tưởng việc gì khó chứ việc ấy cháu xin sẵn lòng.

Lá đơn được thảo ra, lý lẽ rõ ràng. Cao Bá Quát yên trí quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà cụ ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc sức luyện viết chữ sao cho đẹp.

Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại muốn có những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác.

Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp. Từ đấy, ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt. Sau này, người ta cứ lấy ông ra để răn nhau rồi vận nên thành ngữ: “Văn hay chữ tốt”.

Có nhiều truyện tương tự như trên. Văn hay chữ tốt được coi là truyền thống, một nét đẹp văn hóa, đáng để mọi người học tập. Ngày nay, do có sự sa sút về nét đẹp đó nên ngành Giáo dục phát động phong trào vở sạch chữ đẹp bởi “nét chữ, nết người”. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một vế của thành ngữ trên đây. Thành ngữ này thường dùng để ca ngợi những người tài giỏi, toàn diện về mọi mặt.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Vụng chèo khéo chống

Thí dụ:

“Khen cho ông bạn có tài

Vụng chèo khéo chống, nói hay hơn làm"

Về ý nghĩa và cách sử dụng thành ngữ vụng chèo khéo chống, nhìn chung là đơn giản, dễ hiểu, dễ dùng. Nhưng về nguồn gốc và cơ chế hình thành thành ngữ này thì lại được lý giải theo những hướng rất khác nhau.

Phần lớn, mọi người đều cho rằng thành ngữ vụng chèo khéo chống bắt nguồn từ việc lái thuyền trên sông nước. Theo cách hiểu này, chèo và chống là các động từ. Chèo là dùng mái chèo gạt nước để cho thuyền đi lên phía trước, hướng tới đích. Chống là dùng tay tì vào đầu cây sào để đẩy cho thuyền di chuyển. Trong thực tế, chèo khó hơn chống. Lệ thường, người ta chỉ chống thuyền ở chỗ cạn khi cây sào chạm đến đất, còn những chỗ sâu, nhất là ở giữa dòng thì nhất thiết phải chèo. Người lái thuyền lành nghề phải khéo léo cả chèo lẫn chống. Ai đó mà chèo thuyền vụng, chỉ biết mỗi chống thôi thì chưa lành nghề. Nhưng trên đời cũng có người chỉ biết chống thôi mà không biết chèo, hoặc chèo vụng vẫn lái được thuyền ra sông. Trong trường hợp đó, người lái thuyền thường biết phát huy “sở trường” chống để bù lấp cho chỗ thiếu hụt hoặc vụng về khi chèo thuyền. Có điều dễ nhận thấy là tuy vụng trong chèo lái, nhưng nếu biết khéo léo thì vẫn chống thuyền đi lại được. Việc làm trên, thực chất là đem cái giản đơn, cái thứ yếu để thay thế cho cái phức tạp, cái chính yếu, khó khăn hơn mà bản thân mình vốn vụng về yếu kém. Đó chính là ý nghĩa của thành ngữ vụng chèo khéo chống hiện đang dùng trong tiếng Việt.

Có một cách hiểu khác về xuất xứ của thành ngữ vụng chèo khéo chống. Theo cách hiểu này, thành ngữ vụng chèo khéo chống vốn gắn liền với việc diễn chèo. Ở đây, chèo là kịch hát, làn điệu dân ca cổ truyền, còn chống vốn là trống, một nhạc khí thuộc bộ gõ. Người ta đã biện luận khá hợp lý cho quá trình chuyển đổi từ trống sang chống. Chẳng là, chèo xuất hiện và phát triển ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, và ở đây âm tr nhất loạt nói là ch. Đối với dân vùng này, cặp đôi chèo và trống được nói tự nhiên thành chèo và chống. Như đều biết, trống là nhạc khí quan trọng, thường được kết hợp với nhị và một vài nhạc cụ để tạo nền nhạc cho chèo. Vậy thì dạng gốc của thành ngữ đang xét phải là vụng chèo khéo trống, trong đó từ vụng đối với khéo, chèo đối với trống. Cả chèo và trống đều là danh từ. Với một kết cấu như thế, thành ngữ vụng chèo khéo trống tỏ ra cân xứng và hợp lý. Đây cũng là kết cấu ta thường gặp trong thành ngữ tiếng Việt như vụng tay hay con mắt chẳng hạn. Trong diễn chèo, làn điệu chèo mới quan trọng, còn trống và các nhạc khí khác chỉ là thứ yếu. Hát chèo, kém vụng đến phải lấy trống che lấp sự kém cỏi ấy thì quả là đáng chê cười. Nếu cái nghịch lý này thu được thành công gì thì cũng nhờ vào sự khéo lấp liếm của người diễn trò và nhạc công. Phải chăng đây là cơ sở logic về sự hình thành của thành ngữ vụng chèo khéo chống hiện đang dùng trong tiếng Việt?

Rõ ràng, cả hai cách hiểu về xuất phát điểm của thành ngữ vụng chèo khéo chống đều tỏ ra hợp lý. Chúng đều lý giải được logic nội tại để hình thành ý nghĩa của thành ngữ này. Dẫu vậy ở cách hiểu thứ nhất có phần nào hợp lý hơn, do có chỗ các từ chèo, chống trong thành ngữ hiện đang dùng đều được nhận diện là động từ. Nhưng không phải vì thế mà dễ dàng phủ nhận cách hiểu thứ hai. Có điều đáng lưu ý nữa là ngay cả khi từ chống được hiểu là động từ thì dường như nó cũng chẳng còn liên hệ gì đến việc chống thuyền, lái thuyền mà luôn luôn được liên hệ với chống trong chống chế…

Do đó vụng chèo khéo chống được hiểu là làm kém, làm dở nhưng lại khéo biện bạch, chống chế. Trong sử dụng ngôn ngữ, khi nói ai đó vụng chèo khéo chống thì cũng giả định rằng người ta đã biết “tỏng” thực chất cái yếu, cái dở của kẻ “khéo biện bạch” rồi.

Gần nghĩa với thành ngữ vụng chèo khéo chống trong tiếng Việt còn có các thành ngữ vụng hát chê đình tranh và vụng múa chê đất lệch. Ở thành ngữ này, tính chất biện bạch, bao biện đã mất hết vẻ tế nhị. Chúng không có vỏ bọc khéo léo như trong vụng chèo khéo chống mà lại tỏ ra quá thô thiển, lộ liễu, đáng chê trách hơn.

 

Vừa ăn cướp vừa la làng

Tiếng Việt còn có Thành ngữ: Vừa đánh trống vừa ăn cướp hay: Vừa đánh trống vừa la làng.

Trong cuộc sống chẳng thiếu gì kẻ xấu, ma lanh, gian xảo. Có kẻ đã ăn cướp của người khác rồi lại còn lu loa lên như thể mình bị mất của, để đổ vấy cho kẻ khác là phạm nhân. Thêm nữa, có kẻ làm trò cướp giật, bị đuổi bắt lại khôn khéo nhập đám đuổi bắt, thậm chí còn đóng cả vai người đánh trống ngũ liên, hô hoán đuổi bắt cướp. Cứ như thế, trong cuộc sống, trong văn học dân gian đã xảy ra bao nhiêu chuyện phiền nhiễu oái oăm, chướng tai gai mắt. Người mất của đôi khi bị oan uổng, bị đánh đập tàn nhẫn, bị trừng trị nhầm. Rõ là tiền mất tật mang. Trái lại kẻ ăn cướp do ma lanh mà đã kiếm chác được của cải lại còn được cảm thông, an ủi, thậm chí đôi khi được tiếng là có công bắt cướp. Những thủ đoạn gian xảo đó được gọi bằng cái tên đích thực là vừa ăn cướp vừa la làng hay vừa đánh trống vừa ăn cướp. Do ra đời gắn liền với những vụ việc có thật trong cuộc sống như thế, các thành ngữ này trước hết được dùng để chỉ những thủ đoạn của bọn ăn cướp, vừa cướp của lại vừa vu oan cho người bị mất là kẻ ăn cướp hoặc vừa ăn cướp lại còn tham gia đuổi cướp tỏ ra là kẻ có công. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa đánh trống vừa ăn cướp được sử dụng với nghĩa khái quát hơn hàm chỉ những hành vi cố ý làm việc ác lại còn lớn tiếng vu cáo kẻ khác, làm ra vẻ như mình là nạn nhân. Đó là hành vi đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận.

Cùng với các thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa đánh trống vừa ăn cướp, trong tiếng Việt còn có thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng. Thành ngữ này có ý nghĩa và cách dùng tương tự các thành ngữ đã xét ở trên.

Về con đường hình thành thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng có thể lí giải theo hai hướng. Thứ nhất, thành ngữ này là kết quả giao kết, tương hợp giữa hai thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng và vừa đánh trống vừa ăn cướp. Thứ hai, thủ đoạn la làng đổ vấy tội cho người khác, lối giả vờ đuổi cướp bằng hình thức hô hoán, đánh trống của chính kẻ cướp vốn rất phổ biến, lặp đi lặp lại trong cuộc sống đã được người đời nhận thấy và lấy làm đặc trưng cho thủ đoạn của những kẻ chuyên hành động theo lối rắn đổ nọc cho lươn. Rốt cuộc, ở câu thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng không nói gì đến chuyện cướp bóc, không có sự đánh giá xấu hay tốt nhưng lại hiển hiện lên hành vi xấu, thủ đoạn gian manh của kẻ cướp nói riêng, lũ người xấu nói chung. Đó cũng chính là lời cảnh tỉnh người đời phải biết sáng suốt suy xét, đánh giá đúng thủ đoạn của kẻ xấu để đối xử đúng, không lẫn lộn vàng thau.

 

Thái Hà đọc và tổng hợp theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN T

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN T

Chuyện kể: Ngày xưa, ở một làng nọ có một lão nông cả đời gắn bó với ruộng đồng, ông yêu quý mảnh đất của mình, trồng cây, cày cấy bấy lâu mãn nguyện...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN S

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN S

Thành ngữ sơn cùng thủy tận được tạo thành nhờ các từ Hán Việt: sơn (núi), thủy (nước), cùng, tận (cuối hết). Trước tiên, thành ngữ sơn cùng thủy tận chỉ những nơi, những địa điểm xa xôi hẻo lánh...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN R

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN R

Chuyện kể: Xưa, con tôm nghe con cá chép có tài, bèn đến làm bạn. Kỳ ấy, Thủy thần mở khoa thi, tôm cũng theo cá chép tấp tểnh đi thi. Tôm biết mình tài mọn nên mưu gian với cá giúp sức. Cá bảo tôm...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN Q

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN Q

Chuyện kể: Ngày xưa, có hai người học trò một tên là Lưu Cải, một tên là Lễ Châu. Họ cùng nhau đèn sách mấy năm liền nên tình cảm như anh em ruột thịt...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN O

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN O

Chuyện kể: Tương truyền Vi Cố, đời nhà Đường, bên Trung Quốc, một hôm gặp một bà già chột mắt ẵm đứa bé đi qua chợ. Một người không rõ ở đâu đến bảo: “Đứa bé sau này sẽ là vợ anh”.
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN N

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN N

Tục truyền, chúa Chổm là nhân vật có thật trong lịch sử nước nhà. Thuở hàn vi, chúa Chổm mắc nợ nhiều. Khi được lên ngôi vua và rước về kinh thành Thăng Long thì bị đòi nợ suốt dọc đường...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN M

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN M

Chuyện kể: Nhà kia tích cóp mua được con bò đẹp, ưng lắm, chăm bẵm suốt ngày. Tối đến, chủ nhà dắt bò buộc vào gốc tre cạnh nhà. Thằng trộm mấy lần rình, đợi khi cả nhà ngủ say, nó tháo dây thừng dắt ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN L

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN L

Chuyện kể: Cá chép sau khi hóa rồng mới trở về vùng sông nọ tổ chức một cuộc thi sắc đẹp cho muôn loài sống dưới nước nhân vào kỳ vũ cốc...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN K

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN K

Ngày xưa khi cân đo những thứ kim loại quý hay các vị thuốc bắc người ta dùng một loại cân cũ gọi là cân ta. Theo quy ước chung, khi cân đo bằng loại cân này...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN H

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN H

Chuyện kể: Xưa có một con vẹt được người nuôi, dạy cho nói tiếng người. Con vẹt học được vài ba tiếng, suốt ngày ra rả, lặp đi lặp lại tiếng nói đã bắt chước được, làm huyên náo cả khu vườn...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN G

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN G

Chuyện kể: Từ Đức Ngôn yêu công chúa Nhạc Xương, em gái Trần Hậu Chủ. Gặp buổi nước Trần suy loạn, Từ Đức Ngôn nói với công chúa ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN Đ

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN Đ

Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip