Thứ năm, 28/03/2024 - 17:22

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN Đ

Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan...

Đa nghi như Tào Tháo

Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan. Thấy tình thế khó nuốt được Thục, Tào bèn ban mật khẩu “Kê cân”. Một tướng giỏi của Tào là Dương Tu nghe lỏm được, liền truyền lệnh cho quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị rút. Thấy lạ, quân tả hữu liền hỏi:

Tại sao tướng quân lại cho quân rút sớm vậy?

Dương Tu đáp:

Quan Thừa tướng đã ban mật khẩu “Kê cân” (nghĩa là gan gà) ý muốn nói ăn không được, vứt thì tiếc. Vậy việc rút quân chỉ nay mai thôi.

Biết chuyện này, Tào Tháo khép tội Dương Tu là tiết lộ việc quân cơ, đem ra chém đầu. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Cái chính là Tào Tháo biết Dương Tu là tướng có tài, chuyện gì cũng đoán biết được trước nên phải tìm cách hạ sát để trừ hậu họa. Tào Tháo còn là người đa mưu, nhưng vẫn rất sợ quân lính làm phản và bọn thích khách ám hại. Để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, hắn ra lệnh: Đêm ta ngủ thường mơ nơi trận mạc, tung hoành đao kiếm, đừng ai đến gần mà thiệt mạng. Một hôm, đang ngủ say, bỗng hắn trở mình, chăn rơi xuống đất. Tên lính hầu canh cửa thấy vậy bèn rón rén đến bên giường nhặt chăn lên đắp lại cho chủ tướng. Tào Tháo vùng phắt dậy rút ngay gươm đã thủ sẵn ở đầu giường chém người lính rồi lại nằm ngủ tiếp. Hành động chém giết tàn bạo của y không chỉ là lời răn đe khắc nghiệt đối với quân lính mà còn bộc lộ bản chất hay ngờ vực, hay nghi kị đến mức điển hình của một tính cách. Từ đó, tính cách của y đã được khái quát gọn trong năm chữ: Đa nghi như Tào Tháo.

 

Đất có thổ công, sông có hà bá

Ở đâu làm gì cũng cần tôn trọng luật lệ chung, không thể tự ý, tự quyền bất chấp quy định.

Theo dân gian thì Thổ công là thần coi đất, Hà bá là thần coi sông.

Ý câu này: Nơi nào cũng có người trị nhậm, không được vi phạm quyền làm chủ của họ.

Còn có câu: Nước có vua, làng có lệ.

Chuyện kể:

Một hôm, con quỷ từ trên trời xuống thấy Thổ công thì cai quản một vùng rộng lớn, còn Hà bá chỉ cai quản một vùng nước chạy quanh vùng của Thổ công. Con quỷ mới nảy ra ý đồ định chiếm ngự một phần sông, một phần đất ở vùng này để đắp luỹ xây thành làm thuỷ tổ của quỷ. Nó gặp luôn Thổ công, xin cho được xây thành. Được Thổ công đồng ý, thế là nó xây. Trước khi xây nó không làm lễ tạ nê Hà bá tức lắm. Hà bá bèn phái cho nước chảy vào đất theo mạch nước ngầm. Hễ thành cứ xây được đến đâu, là nước lại xói mòn nên thành lại bị đổ.

Thổ công thấy nước xâm phạm đến địa phận của mình cai quản, giận lắm, bèn nói rằng:

- Ta đây là đất, mà đất thì “Thổ công khắc thuỷ”. Ta há lại để cho nước lấn ta sao?

Rồi Thổ công sai dân sự đến, cứ thấy nước ở đâu là lấy đất chắn ngang, không cho nước chảy lan ra được nữa.

Lúc này ở dưới thuỷ phủ, thần Hà bá thấy nguồn nước của mình bị tắc, lấy làm bực bội, nói rằng:

- À, cái lão này cậy người tại bộ, lấy cái lẽ “Thổ khắc thuỷ” để triệt hại ta. Nhưng ta đây sẵn có thuật “Thuỷ phá thổ”. Đời nào ta lại thua gã.

Nói rồi, Hà bá dần dần dâng cho nước lên cao, đánh vỗ vào đất, là cho đất phải long lở tan ra mà trôi cả xuống nước. Đánh nhau như thế làm cho dân tình kiệt quệ, đất lở, cây cối ngổn ngang, nước sông đục ngầu. Cuối cùng cả hai mệt mỏi, mới nhận ra là con quỷ làm bậy bạ.

Hai thần gặp nhau thoả thuận. Hà bá nói:

- Ta Thần Sông, cai quản sông, kẻ nào xâm phạm sông của ta thì ta khắc trị.

Thổ công cũng nói:

- Ta Thần Đất, kẻ nào xâm phạm đất của ta thì không xong với ta. Ta với ngươi không dính líu gì với nhau, không đánh nhau nữa, mà sinh lở đất, cây cối lụi tàn, lũ lụt ngập nhà! Rồi cả hai cùng nói: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”.

Theo “Ông Thổ công và ông Hà bá” – “Truyện cổ nước Nam” – Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. NXB Văn học, 2003

-----------------

Ở đâu làm gì cũng cần tôn trọng luật lệ chung, không thể tự ý, tự quyền bất chấp quy định.

Thời nay, đất đai, sông hồ bị kẻ tham lam chiến đoạt cũng như nạn hoành hành bất chấp luật lệ đến cả Thổ công, Hà bá cũng phải chịu thua nhưng rồi trước sau những kẻ đó cũng sẽ bị trừng trị.

(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)

 

Đẽo cày giữa đường

Câu thành ngữ này hàm ý chỉ kẻ hành động ngu ngốc, không có chủ kiến, luôn bị động nên hay thay đổi theo ý kiến người khác, cuối cùng chẳng đạt được kết quả gì. Còn có câu: Đồ ba phải Mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật.

Chuyện kể:

Một người ngồi trên đường đẽo cày. Có người đi qua, trông thấy khuyên:

- Ồ, cái tay cày to quá, khó cầm. Anh nên đẽo cho nó nhỏ hơn có được không?

Anh thợ đẽo cày nghe theo, đẽo cái tay cày nhỏ đi.

Một lát, một người khác đi qua lại bảo:

- Ồ, cái ách cày to quá, kho vác. Anh nên đẽo nó nhỏ đi chút nữa. Anh thợ cày nghe theo lại đẽo nhỏ đi. Lát sau, một người qua đường nhìn thấy bảo:

- Ồ, cái lưỡi cày to quá, khó bẩy được đất lên.

Anh thợ cày làm theo, đẽo nhỏ đi. Người thứ tư qua đường lại bảo:

- Ồ, cái bàn cày phải nghiêng hẳn về một bên thì lật đất mới dễ.

Anh ta lại làm theo. Cứ thế, người nào góp ý anh cũng đẽo lại, cuối cùng cái cày chỉ còn bằng cái đũa. (1)

Thời nay không ai đi đẽo cày kiểu đó, nhưng cũng còn nhiều người có quyền thì giao việc cho thư ký, trợ lý làm. Đến khi đó thì chủ kiến không còn nữa mà là ý của trợ lý, thư ký. Hơn nữa, có người thiếu tính chủ động, quyết đoán trong công việc nên ai nói cũng gật, cũng cho là phải. Vậy có khác gì đẽo cày giữa đường.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

(1): Dựa theo truyện “Đẽo cày giữa đường” I và II, “Truyện cổ nước Nam” - Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, NXB Văn học, 2003.

 

Đèo heo hút gió

“Cái Xuân gặp anh bộ đội nào đó ở chốn đèo heo hút gió này là một điều mừng, hãy để cho họ tận hưởng niềm vui nghiêm chỉnh ấy nên thôi không úm nữa”. (Xuân Thiều/ Trời xanh).

Trong tiếng Việt, thành ngữ đèo heo hút gió còn biểu hiện ý nghĩa “xa xôi, cách trở của những vùng, miền, của những đường đi lối lại nói chung”. Thí dụ: “Hiện nay bát hoa men đã tới quê tôi nhưng một số nơi quá đèo heo hút gió hãy còn dùng bát vỡ, móng tre” (Văn nghệ 9-1960). “Trước kia tôi hoàn toàn không biết rằng đi trên những thiên lý đường đi, dù đường đèo heo hút gió xa lắc mấy trùng cũng không ai bỏ đường ra đấy cho thiên cho địa” (Xuân Diệu. “Đi trên đường lớn”). Dù hiểu với ý nghĩa nào thì thành ngữ đèo heo hút gió đều được nói về sự xa vắng, cách trở, gây cảm giác hoang sơ, buồn lặng và cô đơn. Tuy nhiên, muốn hiều rõ từng từ từng chữ trong thành ngữ thì lại không đơn giản. Cho đến nay, cách nghĩ các chữ heo, hút trong đèo heo hút gió chưa thống nhất. Phần lớn mọi người đều nhận thức heo, hút là hai yếu tố của một từ phức heo hút với nghĩa “ở vào nơi vắng và khuất, gây cảm giác buồn và cô đơn”. Theo đó, thành ngữ đèo heo hút gió là kết quả của sự giao kết ba từ đèo-heo hút-gió. Ưu thế của cách hiểu này là giải thích rõ được hết mọi từ trong thành ngữ. Nhưng, ở đây cũng bộc lộ những bất hợp lý, khó có thể biện minh được. Trước hết trong tiếng Việt, heo hút không có khả năng kết hợp với gió. Heo hút thường đi sau các danh từ chỉ vị trí, địa danh chứ không thể đứng trước hoặc sau các danh từ chỉ hiện tượng thiên nhiên như mưa, gió, sấm, chớp,... để bổ nghĩa về tính chất “xa vắng cách trở, cô đơn”. Hơn nữa, nếu xem heo hút là một từ như cách hiểu này, người ta không giải thích được dạng thức hút gió đèo heo vốn là một biến thể của thành ngữ đèo heo hút gió. Thí dụ: “Họ tống đến nơi quân dịch đang gào, nơi hút gió đèo heo” (Trinh Đường. “Hoa gạo”).

Từ những bất hợp lý trên, chúng ta phải nghĩ đến hướng tìm tòi khác để giải thích các chữ heo, hút cho hợp lý. Điều cần được chú ý trước nhất là phải dựa vào luật đối và điệp, vốn rất phổ biến trong cách cấu tạo thành ngữ tiếng Việt. Theo hướng này, đèo heo hút gió được xem xét trên cơ sở đối ý đối lời. Ở thành ngữ này có sự đối ý giữa đèo heo và hút gió và đối lời giữa đèo và hút, giữa heo và gió. Ở cặp đối heo và gió, chúng ta dễ nhận ra heo và gió cùng nghĩa. Ta có thể nhận thấy heo có nghĩa như gió trong heo may, trời hanh heo. Heo chính là gió lạnh mùa thu – đông, một thứ gió hanh khô, gây cho da nứt nẻ. Ở cặp đèo và hút thì chỉ có từ hút là phải làm rõ nghĩa. Như đều biết, trong tiếng Việt vốn có từ hút với nghĩa động từ chỉ “hoạt động cuốn theo luồng, theo dòng, làm cho nước và khí, gió xoay tròn”. Động từ hút được chuyển thành danh từ chỉ luồng nơi tập trung dòng chảy, luồng xoáy như hút nước, hút gió. Chữ hút trong thành ngữ đèo heo hút gió là từ hút danh từ này. Vậy là, nhờ có những cứ liệu trên, chúng ta đều thấy rõ thành ngữ đèo heo hút gió hoàn toàn tuân thủ theo luật đối điệp và tương hợp về từ loại cũng như về ý nghĩa. Đây là dạng thức thường gặp trong cấu trúc thành ngữ tiếng Việt, lệ như chân lấm tay bùn, lòng chim dạ cá, lòng son dạ sắt. Điều đó càng được khẳng định chắc chắn hơn khi nhận thấy một biến thể khác của thành ngữ đèo heo hút gió là đèo mây hút gió hoàn toàn hiện rõ nguyên hình là một thành ngữ đối và điệp. Ví dụ: “Có người bị giặc truy bức đành bỏ quê hương, lạc loài đến vùng đèo mây hút gió để kiếm sống như nghệ sỹ Ngọc Cần ở Plâyku” (Văn học nghệ thuật 11-1976).

 

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Với câu tục ngữ này, ông cha ta đã mách bảo, khuyên dạy rằng, muốn nên người, muốn hiếu biết nhiều, có kiến thức rộng, am hiểu sự đời, phải lăn lộn với cuộc sống, phải đi nhiều, phải đi đây đó để thu lượm, học hỏi những tri thức của cuộc sống để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân mình.

Ở câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn, xét về mặt chữ nghĩa, các từ đều khá rõ ràng. Ở đây chỉ có từ đàng là hơi khó hiểu vì nó là từ địa phương miền Trung và miền Nam với nghĩa là đường. Cái khó của câu tục ngữ này là ở chỗ, các từ ngữ kết hợp với nhau tạo nên những đơn vị định danh vừa cụ thể lại vừa rất trừu tượng. Ngày đàng vừa có ý nghĩa không gian vừa có ý nghĩa thời gian. Khi ngày đàng kết hợp với từ chỉ số lượng một tạo thành chỉnh thể một ngày đàng vẫn không tạo nên một đại lượng cụ thể, dễ nắm bắt được. Dẫu vậy, cả vế thứ nhất đi một ngày đàng cũng toát lên cái ý “có sự ra đi trong một khoảng thời gian và không gian nhất định dù là ngắn”. Đây là tiền đề, là cơ sở để tạo nên kết quả học một sàng khôn. Trong sự đối ứng với vế thứ nhất, đi một ngày đàng thì vế thứ hai học một sàng khôn hàm chỉ kết quả học hỏi, thu nhận được rất lớn. Sàng khôn trong câu tục ngữ này có tính biểu trưng và tạo nên những liên tưởng rất lí thú. Dân gian hay dùng sàng với nghĩa đen chỉ một loại đồ đan bằng tre, hình tròn, nông và thưa có tác dụng làm sạch trấu và tấm cho gạo, để làm danh từ chỉ đơn vị. Đơn vị được đong, đo, đếm bằng sàng trong quan niệm dân gian là lớn và nhiều. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp là cách đối lập giữa số ít và số nhiều. Vậy, học một sàng khôn là học được nhau cái hay, cái tốt của thiên hạ để cho mình khôn lớn hơn, hiểu biết về cuộc sống xã hội. Nếu thả mình vào trong sự liên tưởng, thì ít nhiều chúng ta lại nghĩ tới một sự biểu trưng khác của từ sàng khôn này. Thông thường, nói đến sàng người ta nghĩ tới cái được giữ lại ở trên sàng là thứ to hơn, ngược lại cái lọt xuống, lọt qua sàng là thứ nhỏ. Lọt sàng xuống nia mà lại! Sàng khôn có lẽ vì thế mà gợi nên sự liên tưởng tới những điều khôn không chỉ có số lượng nhiều nói chung, mà còn là cái số luợng nhiều đã được chọn lọc. Không hiểu cha ông ta có gửi gắm điều này không, nhưng đứng về phía người thưởng thức và sử dụng ngôn ngữ, những liên tưởng như vậy là hoàn toàn có lý. Trở lại câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn, hai vế câu tục ngữ được hỗ trợ của phép đối và điệp dễ gây liên tưởng có tính khẳng định: hễ cứ đi ra là có thể học được điều hay lẽ phải và càng đi nhiều càng khôn lớn trưởng thành. Đó là thông điệp của cha ông gửi lại cho đời sau.

Câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn còn có một dạng thức nữa là đi một quãng đàng, học một sàng khôn. Dạng thức này hình thành trên cơ sở cụ thể hóa việc đi lại bằng đơn vị không gian (quãng đường) chứ không phải là đơn vị thời gian (ngày đàng) như dạng đang xét. Sự thay đổi này không làm phuơng hại gì đến ý nghĩa của câu tục ngữ.

Gần với câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn về cả ba phương diện cấu tạo và ý nghĩa là câu tục ngữ đi một buổi chợ, học một mớ khôn. Câu tục ngữ này khuyên bảo người đời cần phải tiếp xúc nhiều người, càng tiếp xúc rộng rãi, càng học hỏi được nhiều, và do đó càng hiểu biết, khôn lớn trong cuộc sống.

 

Đồng không mông quạnh

“Chàng về đồng không mông quạnh, gió lạnh sương sa

Em ở nhà lụy lâm, lâm lụy nước mắt sa theo chàng”.

(Dân ca Bình Trị Thiên)

Nếu chỉ dừng lại ở việc tìm ý nghĩa đương đại, ý nghĩa chung của thành ngữ, thì rõ ràng đây là một thành ngữ đơn giản, không có điều gì cần phải bàn. Nhưng thực ra thành ngữ đồng không mông quạnh lại chính là một thành ngữ phức tạp đối với những ai muốn hiểu rõ từng chữ, từng từ cấu tạo nên thành ngữ này. Cho đến nay, cách hiểu ý nghĩa của một vài từ trong thành ngữ vẫn còn là điều “thách đố” chúng ta. Xét về mặt chữ nghĩa, các từ đồng, mông được bàn đến nhiều và có ý kiến trái ngược nhau.

Từ cách nhìn đồng đại, các từ đồng và không đều được coi là dễ hiểu, không cần phải lý giải gì thêm. Nhưng từ mông và từ quạnh thì nên hiểu thế nào? “Từ điển Hán - Việt” của Đào Duy Anh giải thích mông nghĩa là “tối tăm” còn quạnh là “vắng vẻ”. Ở các từ điển khác kết cấu mông quạnh được giải thích nghĩa là “rộng rãi và vắng vẻ”. Dù giải thích tách riêng thành hai yêu tố mông, quạnh hay thành một cấu kết mông quạnh, thì ý nghĩa của chúng vẫn được nhận diện phù hợp với ý nghĩa chung của toàn thành ngữ. Theo cách hiểu này thì đồng là một danh từ và ba yếu tố không, mông, quạnh được xem là các tính từ bổ nghĩa cho danh từ trung tâm có chức năng lột tả cảnh rộng rãi, tối tăm, vắng vẻ mà thành ngữ đồng không mông quạnh hàm chỉ. Song khi khảo sát loại thành ngữ có bốn yếu tố, chúng ta chưa gặp một dạng thức nào có cấu tạo gồm một trung tâm và ba yếu tố phụ làm định ngữ như cách giải thích ở trên. Tính cá biệt và phi hệ thống này đã khiến chúng ta phải tìm một cách lí giải khác.

Nhìn chung, đồng không mông quạnh được xem là một thành ngữ đối ứng, trong đó đồng đối với mông, không ứng với quạnh. Các từ không, quạnh, đối ứng với nhau là hiển nhiên và hợp quy tắc. Vấn đề chủ yếu là ở cặp đồng và mông. Xung quanh cặp từ này cũng có lắm cách hiểu khác nhau. Có thể thấy ít nhất là có những cách hiểu sau đây:

1. Trong tiếng Việt có các từ mông và đồng có nghĩa gần nhau và đều chỉ trẻ nhỏ. Đó là nghĩa trong các từ nhi đồng, đồng dao, mông học, mông huấn. Cách Ií giải này thỏa mãn được sự đối ứng và tương hợp về nghĩa của cặp từ mông đồng trong thành ngữ đồng không mông quạnh vì theo quan niệm dân gian, trẻ con gắn liền với cảnh đầm ấm, yên vui, nếu đến một nơi nào đó mà vắng vẻ, trống thiếu trẻ con thì người ta cũng cảm nhận thấy sự trống vắng và buồn tẻ. Điều này khá gần gũi với ý nghĩa chung của thành ngữ đồng không mông quạnh hiện đang được dùng trong tiếng Việt. Nhưng rất tiếc là ý nghĩa chung của thành ngữ đang xét lại thiên nói về không gian hơn là nói về quan hệ giữa nguời với người, cho nên, cần xem xét lại cách luận giải này.

2. Theo cuốn Từ điển từ nguyên tiếng Hán, có một từ mông chỉ một loài cỏ. Với nghĩa này, mông có thế đối ứng và tương hợp được với đồng (cánh đồng). Quả là đồng và cỏ gắn liền với nhau và có thể đối ứng, tương hợp về nghĩa như đồng khô cỏ úa hay đồng khô cỏ cháy. Song điều khó giải thích là ở chỗ, nếu mông là từ chỉ cây cỏ thì ít khả năng kết hợp được với quạnh. Do đó, sẽ hoàn toàn có lý khi người ta nghi ngờ tính đúng đắn của cách giải thích này.

3. Cách luận giải thứ ba cho rằng mông vốn là một từ cổ, chỉ bãi trống giữa những cánh đồng. Từ này đang được lưu giữ trong một số thổ ngữ ở Nghệ Tĩnh. Nếu quả đúng là như thế thì ý nghĩa của thành ngữ đồng không mông quạnh là sáng rõ.

Như vậy, cho dù ý nghĩa của các yếu tố trong thành ngữ đồng không mông quạnh còn cần được tìm hiểu thêm, nhưng đối với mọi người, ý nghĩa và cách sử dụng thành ngữ này đều thống nhất. Những khoảng không gian trống trải, vắng lặng, quạnh hiu đều có thể ví với cảnh đồng không mông quạnh.

 

Đồ Sở Khanh

Sở Khanh, một nhân vật trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Nghĩa bóng: kẻ phản trắc, lừa lọc, đĩ bợm, bạc tình.

Chuyện kể:

Thúy Kiều bị bán vào lầu Ngưng Bích của Tú Bà. Ở lầu xanh, nàng cô đơn, tủi phận, nhớ nhà, nhớ quê. Bỗng một hôm, có một chàng trai, dáng vẻ thư sinh, tên là Sở Khanh, nhìn nàng ra vẻ xót xa. Sở Khanh đánh tiếng muốn cứu Kiều ra khỏi chốn lầm than. Một buổi, Sở Khanh gửi giấy cho Kiều, hẹn tối trời sẽ đến đón nàng đi trốn. Đúng giờ hẹn, Sở Khanh đến. Nó khoe nó có “ngựa trung phong”, có kẻ hầu người hạ. Tuy có hơi hồ nghi về những lời tán huênh hoang của Sở Khanh nhưng Kiều vẫn liều nhắm mắt đưa chân, nàng bước xuống lầu rồi lên ngựa theo Sở Khanh. Rừng khuya sương lạnh, nàng xót thương tấm tâm lưu lạc. Đến một địa điểm tiếng gà gáy, tiếng người lao xao, nhà trước, nhà sau, Kiều không thấy bóng Sở Khanh đâu. Nó “đã rẽ cương lối nào”. Nàng ngơ ngác hoảng sợ thì bất thần Tú Bà dẫn một đoàn người ập đến lôi nàng về nhà. Mụ đánh đập Thúy Kiều tơi bời. Từ ngày ấy, Kiều bước chân vào quãng đời kỹ nữ.

Về sau, người con gái cùng số phận với Kiều là Mã Kiều báo cho nàng biết: Tú Bà xưa nay vẫn thuê Sở Khanh đánh lừa các cô gái. Sở Khanh là “kẻ bạc tình nổi tiếng lầu xanh, một tay chôn biết bao cành phù dung”. Biết chuyện nó đánh lừa Thúy Kiều, cả xóm lầu xanh nguyền rủa nó là “kẻ bất lương”, “vô lương”, “mặt mo”. Từ hình tượng nhân vật ấy mà có thành ngữ “đồ Sở Khanh” là vậy. (1)

Sở Khanh được vận vào đời sống, gắn cho những kẻ dáng vẻ hào hoa, nói năng lịch thiệp nhưng chuyên đi lừa phỉnh, dụ dỗ lợi dụng, phản bội các cô gái. Những kẻ như vậy chỉ “tốt mã” nhưng “rẻ cùi” cần phải tìm ra “bộ mặt thật” của chúng để trừng trị, lên án.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

(1): Theo “Điển tích văn học”, Mai Thục - Đỗ Hiểu, NXB Giáo dục, 1997.

 

Đẹp như Tiên

Tiên thì ai cũng mơ tưởng tới. Nhưng có hay không và cái giá phải trả để có được tiên mới là cái cần bàn. Ước mơ hão huyền chỉ có ở những người thiếu thực tế. Nhưng theo trí tưởng tượng của người đời thì nàng tiên vẫn là người đẹp nhất, thường sống ở trên trời, bay thướt tha mọi nơi, vì thế truyện cổ tích thường nhắc đến tiên là vậy.

Tiên: Nhân vật tượng trưng trong các truyện thần thoại rất đẹp, có phép màu nhiệm. Tiên có tiên ông, tiên bà, nhưng khi ví với cái đẹp thì thường hay nói đến các cô tiên.

Nghĩa bóng: Vẻ đẹp lý tưởng lộng lẫy của người con gái.

Còn có câu tương tự: Đẹp như Kiều; Đẹp như người trong tranh; Đẹp như Tây Thi; Đẹp như tiên giáng trần; Đẹp nghiêng nước nghiêng thành…

Chuyện kể:

Ở đất Non Bồng, còn gọi là Bồng Lai, một trong ba quả núi ở biển, có hình bầu rượu. Nơi ấy có rất nhiều cô tiên. Mỗi cô đều xinh đẹp một vẻ. Các nàng tiên ngày ngày mặc áo mây trắng ngà, lướt thướt bay đi trẩy hội Long Vương. Nàng nào cũng cầm một bầu đi theo để khi trẩy hội không quên múc đầy bầu nước đem về tưới cho vườn đào xanh tốt.

Hồi ấy, con trai Long Vương đã trưởng thành, chàng có sức khoẻ vượt muôn trùng đại dương, một hôm đi dạo ở Thuỷ cung gần đảo Non Bồng bỗng nhìn thấy mấy cô tiên đang tắm. Các cô tiên cười đùa thoả thích. Con trai Long Vương lòng dạ ngẩn ngơ, mới men theo bờ động đến ngắm. Chàng mải ngắm nghía những người đẹp lỡ đạp vào hòn đá rơi xuống nước. Thấy động, những cô Tiên nhanh chóng thu vén quần áo, xách vội bình nước bay về nơi ở.

Chàng con trai Long Vương trở về ngẩn ngơ. Từ bấy sinh ra tương tư. Vua cha cho đi khắp vùng để tìm cho được người con gái đẹp kết hôn với chàng trai, nhưng người con gái nào đến chàng cũng không ưng thuận.

Chàng cầu khẩn:

- Cha đi tìm nàng tiên về đây cho con. Chẳng có ai đẹp hơn các nàng tiên mà con đã nhìn thấy.

Vua cha nhờ thần Cá Chép bay lên núi Thiên Bồng để dạm hỏi. Đến nơi, thần Cá Chép thấy một bầy tiên lộng lẫy kiều diễm, chẳng biết chọn ai mà dạm hỏi, đành đứng xa mà ngắm. Ngắm mãi, ngắm mãi, thần Cá Chép dần biến thành một hòn núi nhỏ, biệt tăm không trở lại Long Vương.

Chàng trai si tình thấy thần Cá Chép đi mãi không trở về, mới nóng lòng lên mặt nước, đến núi Thiên Bồng để tìm nàng tiên. Lại như lần trước, chàng ngắm mãi rồi tương tư, lâu ngày hoá thân thành một quả núi, rồi không bao giờ trở về Long Vương nữa.

Núi Thiên Bồng trước đây có một quả, giờ thêm thần Cá Chép, lại chàng trai con vua Thuỷ Tề biến thành hai quả núi nhỏ nữa, chụm đầu vào nhau hướng về quả núi lớn, như đang nhìn các nàng tiên kiêu sa kiều diễm. Từ đó núi Thiên Bồng còn gọi là Bồng Lai có ba đỉnh là vậy. Nơi này ngày ngày tháng tháng vẫn có những nàng tiên kiều diễm, lộng lẫy đến tắm. Người ta đồn rằng chẳng có gì đẹp bằng các nàng tiên sa, ai qua đây nếu có nhìn thì chỉ nên nhìn thoảng qua, chớ có đắm đuối, mà hoá thành đá chẳng có ngày trở về.

--------------------

Tiên thì ai cũng mơ tưởng tới. Nhưng có hay không và cái giá phải trả để có được tiên mới là cái cần bàn. Ước mơ hão huyền chỉ có ở những người thiếu thực tế. Nhưng theo trí tưởng tượng của người đời thì nàng tiên vẫn là người đẹp nhất, thường sống ở trên trời, bay thướt tha mọi nơi, vì thế truyện cổ tích thường nhắc đến tiên là vậy.

(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)

 

Đục nước béo cò

Khi tìm hiểu ý nghĩa thành ngữ đục nước béo cò người ta thường lưu tâm đến một hiện thực dễ dàng quan sát thấy ở các vùng nông thôn. Ta đã biết, cò là một loài vật đêm ngày lặn lội kiếm con ốc, bắt con tôm, con cá trên đồng ruộng. Phải nhọc nhằn lắm, may ra cò mới kiếm được miếng ăn hàng ngày. Thế nhưng, trong các vụ cày bừa, ruộng nước đục ngầu, bùn, lấm làm cho cá tôm ở dưới nước không chịu được phải ngoi mình lên mặt nước. Thế là chẳng vất vả bao công, cứ thế cò chén những con vật xấu số do hoàn cảnh "đục nước" mà phải ngoi mình làm mồi cho nó. Biết lợi dụng vụ cày bừa, với những chân ruộng đục nước, cò có thể kiếm chác, nuôi thân béo mầm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự quan sát này thì chưa làm bộc lộ rõ được cách đánh giá của nhân dân ta đối với kẻ cơ hội lợi dụng hoàn cảnh rối ren nội bộ mà kiếm lợi lộc qua thành ngữ đục nước béo cò!

"Nghĩ đến câu đục nước béo cò

Nên bao nhiêu sự thật sờ sờ

Các xừ cứ tảng lờ như chẳng rõ"

(Thơ Tú Mỡ)

Hẳn là trong quan niệm dân gian còn có một ý tứ gì thâm hậu hơn được tiềm ẩn trong thành ngữ này. Đục nước trong đục nước béo cò không hẳn chỉ phản ánh nhân tố khách quan đưa lại sự rối ren của hoàn cảnh (như do cày bừa) mà còn có thể do bản thân các nhân tố chủ quan gây nên. Cảnh đàn cá tranh ăn, cảnh cá lớn nuốt cá bé, chẳng làm khuấy động môi trường sống của chúng ta là gì. Một điều thú vị hơn là tại sao "đục nước" lại chỉ béo mỗi chú cò và chính cò là biểu hiện của kẻ cơ hội? Có lẽ đối với nhân dân ta, con cò gắn liền với cuộc sống đồng ruộng, ngoài việc tự thân kiếm ăn, cò còn là kẻ cướp công, ăn bớt ăn xén công sức của kẻ khác. Cốc mò cò xơi, cò ăn bớt của cốc, chẳng phải là xuất phát từ cách nhìn nhận đó hay sao? Cho nên cò là biểu trưng cho hạng người cơ hội, và với thành ngữ đục nước béo cò nhân dân ta phê phán hành vi của bọn cơ hội chủ nghĩa.

"Rân nhảy ra đúng lúc, khi lãnh chúa Kỳ Bường là lão Phô đã gục, khi Chính phủ bị người phải vung tiền ra mua, khi tình hình rối loạn dễ đục nước béo cò. Cha hắn sao biết chỗ lắt léo ấy" (Phan Tư- "Gia đình má Bảy")

 

Đứt đuôi con nòng nọc

Ếch nhái ở giai đoạn mới sinh trưởng, sống dưới nước, thở bằng mang và có đuôi. Nòng nọc là cóc mới nở từ trứng ra, sống thành đàn ở đám ruộng, ao. Đến kỳ hạn, nó đứt đuôi nhảy lên bờ sống trên cạn. Còn có câu: Nòng nọc đứt đuôi, chính là giống cóc. Ý của câu này là: Rõ ràng dứt khoát, việc nào ra việc ấy, cái nào ra cái ấy.

Chuyện kể:

Ở một đám đầm nọ, cá trê mẹ vừa nở ra một đàn con, nó quanh quẩn quanh đàn, phòng kẻ khác đớp con nó. Cũng cạnh đó có con cóc, mấy hôm trước cũng đẻ một dây nhiều trứng lắm. Đẻ xong, cóc đi đớp mồi, thản nhiên, ít ngó ngàng đến trứng của mình. Đến kỳ trứng cóc nở, nòng nọc cóc giống hệt nòng nọc cá trê trườn xuống, hòa vào với nhau. Trê mẹ cho rằng mình có một đàn con đông đúc mà con nào cũng đen nhánh, đuôi chúng ve vẩy bơi đi bơi lại, lấy làm sung sướng lắm.

Một hôm, cóc về lại chỗ mình đã đẻ trứng, ngó xuống đầm, thấy cơ man nào là nòng nọc. Nó cũng chẳng thèm để ý xem đâu là con mình cả. Trê mẹ ở dưới nước thấy thế ngớp mồm lên trêu rằng:

- Chị chẳng có lộc nên như “người độc không con”. Chị phải chịu ở vậy thôi. Tôi đây có phúc nên trời cho con đầy đàn đầy đống. Thôi chị ra chỗ khác, chứ ngồi đây chị đớp con tôi bao giờ không biết.

Cóc cười:

- Ừ thì nhà chị có phúc. Nhưng chị nhớ rằng, trong đàn có cả con tôi nữa đấy. Rồi đấy chị xem.

Rồi ngày qua ngày, đàn nòng nọc đều lớn cả lên. Nòng nọc thuộc loài cóc đến kỳ đến hạn tự mà đứt cái đuôi sát đến đít. Cứ thế nó nhảy lên bờ. Cóc mẹ ngồi trên bờ chờ cho đàn con nhảy hết lên nó mới nói với trê mẹ rằng: “Đấy chị xem, đứt đuôi con nòng nọc thì nó là con tôi cả”.

Nói xong, cóc dẫn đàn con đi tìm nơi ở mới. Số nòng nọc còn lại không đứt đuôi được là loài cá trê, cá trê mẹ ngậm ngùi nhìn lại đàn con trước kia đông đúc vậy mà nay còn thưa thớt mới kêu lên trời rằng: “Trời cho đứt đuôi con nòng nọc thì nó thành cóc hết, con lấy đâu nòi giống để tồn tại hả Trời”. Rồi tức quá, nó đập đầu vào cầu ao, thành thử bây giờ đầu nó mới bị bẹp như vậy.(1)

“Đứt đuôi con nòng nọc” là câu người đời hay vận dụng để nhắc nhở mọi người bàn bạc, giải quyết vấn đề gì phải cho dứt nọc, đâu ra đấy. Nó cũng thể hiện, cách làm việc khoa học, rõ ràng. Thực tế, trong xã hội việc lôi nhôi lai rai, rải mành mành, việc nọ sọ việc kia, chẳng bao giờ dứt điểm đã xảy ra quá nhiều, thậm chí những người thừa hành còn cố tình làm ra vậy để kiếm lợi. Vì thế, việc cải cách hành chính là rất cần thiết.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

(1): Dựa theo truyện Trê Cóc, Truyện cổ Việt Nam.

 

Được voi đòi tiên

Voi thường được tượng trưng cho cái gì to lớn khác thường, có tính chất khổng lồ. Trong nhiều ngữ cảnh khác, voi cũng mang ý nghĩa đó: voi nan, (bệnh) chân voi, lấy thúng úp voi, châu chấu đá voi, đầu voi đuôi chuột... Tiên thì thường dùng để biểu hiện cái gì tuyệt mỹ, tuyệt hảo đến mức lí tưởng: đẹp như tiên, sướng như tiên, có phép tiên, thuốc tiên, v.v... Tuy vậy nếu hiểu voi là tiên trong thành ngữ này theo ý nghĩa nói trên thì lại không thỏa đáng. Bởi vì có được số lượng (hoặc khối lượng) lớn nhất rồi, vẫn có quyền đòi hỏi chất lượng cao nhất, mà như thế đâu có phải là tham lam? Đạt được khối lượng thật lớn, lại còn muốn có được chất lượng thật cao nữa, ai dám bảo đó là “được voi đòi tiên”! Vậy thì phải hiểu voi và tiên ở đây là thế nào cho ổn?

Phần lớn thành ngữ và tục ngữ được mọi người chúng ta hiểu giống nhau về ý nghĩa toàn cục. Còn ý nghĩa của từng yêu tố, từng từ được dùng trong đó thì lại có thể hiểu theo những cách khác nhau. Có thể giải thích các yếu tố đó theo khuynh hướng đồng đại, nhưng trong nhiều trường hợp, chỉ có thể giải thích bằng con đường đi vào từ nguyên hoặc tìm vào các phương ngữ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì thành ngữ, tục ngữ thường được tạo ra từ khá lâu và thường gắn với một xuất xứ cụ thể, mặc dầu khó mà xác định được chắc chắn.

Trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, các con giống nặn bằng bột màu bán ở chợ làm đồ chơi cho trẻ em, có nơi gọi chung là voi. Trong câu hát đồng dao về con chim trả cũng có từ này. Khi bắt được con chim trả tranh, một loài chim bói cá nhỏ xinh đẹp, trẻ em thường cầm ngược cái mỏ dài của chim lên để chim lơ lửng và đọc câu hát “Tranh tranh trả trả, múa cho ả coi, đến mai đi chợ ả mua voi cho tranh tranh trả trả”.

Trẻ em địa phương có thể gọi là voi, tên chung cho các con giống (miền Bắc còn có nơi gọi là tò he), hoặc gọi tên riêng của từng con giống: voi, ngựa, gà, vịt, ông tiên... thường trong các mẹt hàng đồ chơi này ở nông thôn, voi là con giống phổ biến hơn cả. “Voi” ở đây không to lớn gì hơn so với các con giống khác, do đó cũng không đắt tiền hơn. Duy chỉ có tiên là loại con giống hiếm hơn, và dĩ nhiên là cũng đắt tiền hơn. Cho nên “được voi đòi tiên” ban đầu có thể chỉ là câu trách các em bé có tính hay vòi vĩnh đối với thứ quà quê cụ thể đó.

 

Đười ươi giữ ống

Theo các tài liệu khoa học về sinh vật thì đười ươi, vượn người và con người là ba dòng họ cùng một thủy tổ là vượn rừng rậm, có tên khoa học là Dryopithecus. Đười ươi là một loài khỉ lớn lông màu nâu rất dài, mặt râu ria xồm xoàm, không có đuôi hình dạng gần giống người, con đực có thể cao tới 1,8m, con cái nhỏ hơn. Đười ươi là một trong bốn loài khỉ dạng người hiếm và rất quý trên thế giới, hiện nay còn nhiều ở các đảo Boocnêô và Xumatra của lnđônêxia. Ở rừng rậm nước ta, thời xa xưa cũng có đười ươi. Đười ươi có đôi cánh tay rất khỏe, nó thường dùng tay để kiếm ăn. Đười ươi là một loài khỉ độc, nó có thể bắt và ăn thịt người, nếu không đề phòng cẩn thận. Khi bắt được con mồi, đười ươi thường sung sướng ngửa mặt lên trời cười một cách hả hê tít cả mắt và chờ cho đến khi mặt trời lặn nó mới ăn thịt con mồi. Nắm được điểm yếu đó khi đi rừng người ta thường phòng đười ươi bằng cách xỏ tay vào hai ống tre để ngộ nhỡ đười ươi có bắt được thì người ta rút tay ra mà chạy thoát, con đười ươi ngu ngốc thì cứ giữ hai cái ống đó và ngửa mặt lên trời cười cho đến tối.

Từ thực tế này mà câu đười ươi giữ ống thường được dùng để so sánh với những kẻ khờ dại, ngu ngốc hay bị mắc lừa.

Thành ngữ này không nhằm so sánh một hành động cụ thể nào mà thường chỉ so sánh một đối tượng, một bản chất cụ thể của con người.

Theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN D

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN D

Chuyện kể: Xưa có anh học trò rất dốt, nhưng ở đời “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Có người tưởng anh hay chữ thật, đón về nhà dạy trẻ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN B

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN B

Chuyện kể rằng: Ngày xưa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, dưới trướng của Sở Công Vương có hai người bắn súng lừng danh thiên hạ. Một người tên là Phan Đáng, còn người kia tên là Dưỡng Do Cơ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN A

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN A

Theo sách Phật, đời nhà Đường vào thế kỷ thứ VII có ngài Tuệ Viễn quê ở Lư Sơn. Tuệ Viễn thông tuệ kinh pháp nhưng cũng là người thông kinh sử và phụng thờ đức phật...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN C

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN C

Chuyện kể: Đời xưa, chuột vốn là giống linh thiêng ở trời, trời giao cho chìa khóa giữ kho lúa. Lợi dụng quyền hành, chuột thường đến kho, mở khóa rả rích ăn bao nhiêu là thóc, trấu còn lại vương ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip