Thứ sáu, 29/03/2024 - 14:51

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN A

Theo sách Phật, đời nhà Đường vào thế kỷ thứ VII có ngài Tuệ Viễn quê ở Lư Sơn. Tuệ Viễn thông tuệ kinh pháp nhưng cũng là người thông kinh sử và phụng thờ đức phật...

Ăn chay niệm phật

“Ăn chay niệm phật từ bi. Nói lời thanh lịch, lòng thì tĩnh tâm”, cũng là đức tính cần học. Nhưng không thiếu gì kẻ giả danh làm cho đạo phật bị ô uế. Dựa vào câu thành ngữ này, thời nay, người đời suy diễn rằng người ăn chay niệm phật là người sống thanh tịnh, hiền lành...

Theo sách Phật, đời nhà Đường vào thế kỷ thứ VII có ngài Tuệ Viễn quê ở Lư Sơn. Tuệ Viễn thông tuệ kinh pháp nhưng cũng là người thông kinh sử và phụng thờ đức Phật.

Thời ấy, loạn lạc binh biến nhiều, cướp giật hoành hành khắp vùng. Làng xã thì không có ranh giới. Tuệ Viễn làm quan giải nghệ về chùa Lư Sơn tu hành. Ông nghĩ: con người sinh ra vốn bản chất thiện (nhân chi sơ, tính bản thiện) nhưng không ai dạy bảo ắt thành ác.

Ông đem ý nguyện trình với triều đình tổ chức lại hành chính biên xã, quy khu vực để quản lí. Mỗi vùng giao cho tổng trưởng cai quản.

Một hôm, có người tu hành từ phương nào không biết, đến xin gặp Tuệ Viễn. Tuệ Viễn cho vào và hỏi:

- Người từ nơi nào đến? có việc gì như muốn nói với ta hơn là hành khất?

Người kia thưa:

- Ta từ Lạt Ma, chẳng vì ta biết người có tài tổ chức địa hạt để cai quản dân chúng. Nhưng làng nọ, xã kia lập ra lại kỳ thị với nhau, giành giật nhau, cái ác cứ ngày một hoành hành. Ta đến đây không phải để xin ăn mà có quyển sách phật muốn chỉ giáo phổ biến cho dân lành để hết nạn nhiễu nhương. Ta biết ông thông kinh phật, nên muốn cùng ông cứu khổ, cứu nạn.

Tuệ Viễn lấy làm vui mừng, mời nhà tu hành kia ở lại giúp đức cho chúng sinh. Hai ông dày công đi khắp làng tổng trong vùng phổ biến phép niệm phật, hướng dẫn tu tịch, dạy đạo và phát chẩn cho dân làng, quy phục những kẻ ác tà.

Đặc biệt, hai ông bày cho dân chúng cách chế biến ngũ cốc, hoa quả thành thức ăn hàng ngày, khuyên không nên giết hại các con vật. Thấy chế biến ngũ cốc để ăn tiện lợi mà thân thể khoẻ mạnh, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn rồi cứ thế làng xã ai ai cũng làm theo. Khi dân chúng ăn chay niệm phật gần như là thói quen, Tuệ Viễn đã ra quy ước như một phép phật cho con người ta siêu thoát, thấy điều phàm tiếu thì hổ thẹn, thấy hành ác thì đau thương. Vì thế, dân chúng học lời nói phải, nguyện đức từ bi của Phật pháp mà hành đạo trong cuộc sống.

Nhờ phổ biến phép niệm phật, ăn chay, nói lời từ bi mà vùng Lư Sơn liền tổng, liền xã không còn gian tà. Dân chúng sống hoà thuận thương yêu nhau. Sau này nhà Phật cho rằng, cả vùng ai ai cũng được Phật phù hộ chứng minh. Và cũng từ đấy lan truyền câu: Ăn chay niệm phật, đi liền với nói lời từ bi là vậy.

“Ăn chay niệm phật nói lời từ bi,” về bản chất vẫn còn nguyên giá trị. “Ăn chay niệm phật từ bi. Nói lời thanh lịch, lòng thì tĩnh tâm”, cũng là đức tính cần học. Nhưng không thiếu gì kẻ giả danh làm cho đạo phật bị ô uế. Dựa vào câu thành ngữ này, thời nay, người đời suy diễn rằng người ăn chay niệm phật là người sống thanh tịnh, hiền lành chứ không phải như những ông quan biến chất, giả dối theo kiểu “Miệng nam mô bụng bồ dao găm”.

 

Ăn cơm chúa, múa tối ngày

Tương truyền, ở một phủ chúa nọ, có một quan thái giám dâng cho chúa một con công quý. Con công không những đẹp sặc sỡ mà còn có điệu múa chẳng khác gì kỹ nữ. Từ ngày có con công, chúa quên cả đội kỹ nữ, suốt ngày thả công ra khuê văn để xem công xoè cánh, xoè đuôi, liệng chân, lấy làm mãn nguyện lắm.

Một con vẹt trong vườn thượng uyển ngày ngày nhìn thấy công múa, quanh đi quẩn lại chỉ có mỗi một điệu chán ngắt, một hôm, vẹt mới bay lại gần công nói:

- Chị công ơi, chị đẹp sặc sỡ là vậy, nhưng tôi thấy chị chỉ có mỗi điệu xoè cánh, xoè đuôi, liệng chân, ngày nào cũng vậy sao hả chị công?

Công mới nghển cổ, vênh mỏ lên mà rằng:

- Tôi ăn nhà chúa, ngủ nhà chúa. Ngày ngày chỉ có việc xoè đuôi, xoè cánh ra. Việc chỉ có vậy, chẳng mất công luyện rèn học hành gì mà lại được ăn ngon, còn gì hơn thế nữa.

Vẹt mới nói:

- Thế chị làm mãi vậy, không biết chán à?

Công vẫn dương dương tự đắc:

- Tôi múa cũng quen rồi, cả ngày chỉ có vậy, từ sáng đến tối, có gì mà phải phàn nàn. Cứ xem như các cô kỹ nữ trong phủ cũng vậy, ngày nào cũng múa, hết ngày lại đêm, các cô có kêu ca gì đâu.

Phong cách “ăn cơm chúa, múa tối ngày” dành cho những người làm việc quấy quá, không hiệu quả, cốt cho xong việc, giống như:

Ăn nhà chúa, ngủ nhà quan

Ngày ngày vác mặt ra làng rêu rao.

Cải cách hành chính mà không tính đến việc tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng công việc thì thật là lãng phí, càng dẫn đến tình trạng quan liêu.

 

Ăn mày đánh đổ cầu ao

Đi ăn mày xin được chút ít lại đánh đổ mất cả ở cầu ao không vớt vát được gì. Thành ngữ này chỉ sự khốn cùng lại gặp đen đủi, không may liên tiếp.

Còn có câu gần nghĩa: Chó cắn áo rách.

Chuyện kể:

Xưa có người nghèo đói đi ăn xin đã lâu, một hôm được nhà giàu nọ bố thí cho một ít gạo.

Ăn mày mừng rỡ mới đem gạo xuống dưới cầu ao vo để nấu cháo. Chẳng may lúc đang vo, gió nổi lên tứ tung, làm lật rá gạo đổ cả xuống cầu ao.

Anh ăn mày khóc lóc thảm thiết, không biết bắt đền ai, bèn làm đơn lên thiên đình kiện thần Gió. Đơn rằng: “Tôi đói khát, mới phải đi ăn mày, nay được nhà giàu cho chút gạo, thế mà thần Gió lại lật cả rá gạo đổ xuống cầu ao. Mong thiên đình soi xét nghĩ đến kẻ khó này”.

Giời chấp nhận đơn, sai quỷ sứ đòi thần Gió lên tra hỏi. Thần Gió khai:

- Vì có người lái buôn, buôn mấy thuyền thóc, gặp phải độ không gió, thuyền không đi được mới làm lễ cầu phong…, cho nên tôi phải đổi gió cho thuyền nó chạy.

Giời nghe rồi quở thần Gió rằng:

- Người làm việc nhà Giời như thế là bất công, bất chính. Kẻ đói, người cùng, thì chẳng thấu tình mà thương đến nó. Đứa giàu có mang lễ vật đến thì tham của tối mắt lại, bất chấp việc gì cũng làm để đến nỗi khốn nạn cho kẻ nghèo.

Đoạn Giời bắt thần Gió bảo người phú thương kia phải giả người ăn mày một bát gạo. Người phú thương chịu đền, không oán trách thần gió mà có câu ca rằng:

Ăn mày đánh đổ cầu ao

Vì ngài phong súy(*) nên tao phải đền.

Đã nghèo nhưng lại vụng dại, lận đận nên mới ra nông nỗi ấy. Nhưng như chuyện này thì là tại thần Gió. Như lời Giời phán thì kẻ mạnh làm hại kẻ yếu chỉ vì có lễ vật. Ấy nên đòi hỏi công bằng trong xã hội là việc muôn thuở, nhưng cũng luôn luôn cần bàn.

(Theo Điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn)

(*) Phong súy: Phong làm thần Gió

 

Ăn như rồng cuốn

Tương truyền, một hôm, ở biển đông, trời đang trong xanh thì bỗng xuất hiện một cột nước cao. Lúc đầu cột nước cao ấy màu trắng đục, sau chuyển thành màu đen ngòm. Rồi cột nước ấy bỗng cuồn cuộn, làm cả vùng trời rung chuyển. Từ cột nước hung dữ đó, bỗng bày ra một con vật đầu to, hình nó như một con rắn khổng lồ cuồn cuộn trên bầu trời âm u. Nhiều ngư dân trong vùng nhìn nó thoáng bay qua nhận thấy con vật bờm rậm nhưng râu ngắn, mũi giống sư tử, từ biển bay thẳng vào đất liền. Trên đường đi nó cuốn hết thảy những thứ nó muốn. Lúa trên đồng, cá trong sông, thậm chí nó còn cuốn cả gia súc gia cầm, cuốn cả mái gianh, làm cho dân tình hoảng loạn. Con vật đi như gió và ăn hết nhiều tài sản của dân cư trong vùng.

Ngư dân trong vùng lập đàn, mới nhờ một con rùa xuống Long Hải Vương để hỏi tại sao lại cho con vật dữ từ dưới biển lên tàn phá dân lành.

Rùa mang lời ngư dân đi gặp Long Hải Vương.

Long Hải Vương bảo:

- Ngày trước, ngươi kiện ta thì có lí. Trước đây con vật đó là con cá chép thuộc quyền quản lí của Long Hải Vương, nhưng từ khi nó thi đỗ, nó đã hoá thành rồng, bay lên trời. Giờ thì trời quản lí, ngươi lên mà hỏi Thiên Vương.

Rùa về thưa lại với ngư dân. Ngư dân lại nhờ sư tử nhà trời hỏi cho rõ chuyện tại sao rồng lại hại chúng sinh. Sư tử nhà trời lên thiên đình thưa chuyện. Nhà trời bảo:

- Nó cũng giống lân, cùng họ với nhà ngươi, ăn như hùm, kém gì thuồng luồng, trời sinh ra nó thế, thế gian chịu vậy, biết làm sao. Thôi, ngươi về đi, nói với mọi người là khi thấy nó xuất hiện thì liệu mà tránh.

Từ đấy về sau, mỗi khi thấy rồng xuất hiện, là mọi người lại khiếp vía cất giữ lương thực, chằng chống nhà cửa, không dong buồm ra xa, rồi bảo nhau:

Rồng nó cuốn đấy, liệu mà phòng cho mau.

Người ta lấy hình tượng con rồng cuốn hết thảy mọi vật để chỉ sức ăn ghê gớm của nó, mượn cái hùng mạnh của lốc cuốn mà nhân cách như rồng.

Nên có câu:

Ăn như rồng cuốn

Uống như rồng leo

Sau này có người nói chệch đi là “nói như rồng leo”.

 

Áo gấm đi đêm

So sánh:

“Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người”

(ca dao)

Hơn thế nữa, áo gấm còn biểu trưng cho sự thành đạt trong học hành, thi cử. Những người học trò sau các kỳ thi hương, thi hội trở về quê (vinh quy bái tổ) đều mặc áo gấm để tỏ rõ sự thành đạt, công thành danh toại của mình trước họ hàng làng nước. Nhân dân ta hay nói: áo gấm mặc về chính là nói về sự đỗ đạt trong thi cử, một mong ước chính đáng của những người lều chõng đi thi.

“Cũng đừng áy náy lòng quê

Bao giờ áo gấm mặc về mới thôi”

(Phan Trần)

Áo gấm chỉ mặc ban ngày mới được mọi người nhận thấy sự rực rỡ của nó. Đối với người giàu có, sự rực rỡ của áo gấm phô bày cho thiên hạ biết anh ta thuộc hạng người lắm tiền, nhiều của. Đối với các chàng học trò sau khi thi trở về, áo gấm, mách bảo cho mọi người về sự đỗ đạt của anh ta. Ấy thế mà mặc áo gấm ban đêm, đi trên đường làng thuở trước với khung cảnh tối tăm mù mịt như thế thì ai hay biết, ai phân biệt gấm vóc với các thứ vải khác được. Trong Hán sử (Trung Quốc) có câu “Phú quý bất quy cố hương như cẩm y dạ hành” (Giàu sang mà không trở về quê thì cũng như mặc áo gấm đi đêm). Thành ngữ này được dùng trong tiếng Việt với hai nghĩa: (1) Của quý mà không dùng đúng lúc, đúng chỗ thì cũng hoài phí (giống như mặc chiếc áo gấm - loại áo may bằng vải gấm, biểu tượng cho sự giàu sang trước đây mà đi trong đêm thì ai nhìn thấy được, nên nó cũng giống như mọi áo may bằng vải thường khác mà thôi). (2) Lối khoe khoang phô trương sự giàu có một cách kệch cỡm, không phải lối, không tương hợp với hoàn cảnh hay chính con người đó.

Những điều phân tích, luận giải ở trên cũng cho thấy, đối lập với thành ngữ áo gấm đi đêm là thành ngữ áo gấm ban ngày. Cũng vậy, trái với gấm đêm (dạng rút gọn của áo gấm đi đêm) là gấm ngày (dạng rút gọn của áo gấm ban ngày):

“Vẻ vang rực rỡ gấm ngày

Ai ai chẳng muốn bạn bầy với tiên”

(Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện)

 

Áo vải, cờ đào

Ngọc Hân công chúa chính là Lê Ngọc Hân, sinh năm 1770, mất năm 1799. Con gái thứ 21 của Lê Hiến Tông. Bà được học hành đến nơi đến chốn, giỏi văn thơ. Năm 1786, Bà kết duyên với Nguyễn Huệ, khi ông ra Bắc phò Lê, diệt Trịnh rồi bà theo chồng vào Phú Xuân. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, Lê Ngọc Hân được phong là Bắc cung hoàng hậu. Năm 1792, Quang Trung mất, Lê Ngọc Hân khóc chồng bằng bài thơ Nôm “Ai tư vãn" và bài “Văn tế Quang Trung”, “Ai tư vãn” là bài thơ nôm nổi tiếng không chỉ vì nó phản ảnh được một cách sâu sắc nỗi đau của một goá phụ trẻ, mà còn là tư liệu quý để người đời hiểu được đời sống tình cảm, sự nghiệp cứu nước, dựng nước của Quang Trung, người anh hùng dân tộc. Điều đó được Ngọc Hân gói lại trong hai câu:

“Mà nay áo vải cờ đào

Giúp dân dựng nước biết bao công trình”.

(Ai tư vãn)

Về sau này, hễ nói đến “áo vải, cờ đào”, hay “người anh hùng áo vải”, người Việt Nam ta ai cũng biết với lòng tự hào sâu sắc; đó là Quang Trung - Nguyễn Huệ!

 

Ăn cháo đái bát

Thành ngữ ăn cháo đái bát gồm hai vế: vế thứ nhất nói về việc nhận ân nghĩa (ăn cháo), vế thứ hai nói về sự bội bạc ân nghĩa đó (đái bát). \/ề thành ngữ này, một số người còn băn khoăn, không hiểu dạng đích thực của nó là ăn cháo đái bát hay ăn cháo đá bát. Thực ra, điều đó chẳng có nghĩa lý gì, bởi vì hành vi đái bát hay đá bát đều biểu thị sự phũ phàng đến thô bạo của người đời. Dĩ nhiên, hành vi đái bát gây ấn tượng mạnh mẽ, nặng nề hơn và phù hợp với cách nói khoa trương, phóng đại mà dân gian vẫn ưa dùng. Hơn nữa, trên thực tế sử dụng, hầu như ta chỉ gặp dạng ăn cháo đái bát mà thôi. Như vậy, chẳng cần biện luận nhiều, chúng ta cũng dễ dàng chấp nhận dạng thức ăn cháo đái bát là dạng đích thực của thành ngữ đang xét. Vấn đề đáng quan tâm hơn là tại sao dân gian lại dùng cụm từ ăn cháo để biểu hiện việc ân nghĩa? Có bao nhiêu thứ khác, quý hiếm hơn, đáng giá hơn sao không được chọn dùng, trong khi đó lại dùng cháo, một thức ăn bậc thấp nhất, để chỉ cái ân cái nghĩa do người khác mang lại? Thông thường cháo là món ăn nhẹ, dễ tiêu thích hợp với người bệnh đuối sức, không ăn được cơm. Bát cháo từ tay người khác mang lại chăm sóc lẽ nào người bệnh chẳng biết nâng niu trân trọng? Lại nữa cháo trong dân gian các cụ bà thường dùng để cúng lễ ở các miếu dưới gốc đa, sau đó ban phát cho trẻ để lấy phước. Vì thế mà có chuyện “cướp cháo gốc (lá) đa”. Khi gặp nạn đói kém nhiều người quẫn bách cơm không có ăn, áo không có mặc, sống thoi thóp trong hoạn nạn, những người có lòng nhân đức thường nấu cháo để phát chẩn, giúp cho người bị nạn bát cháo cầm hơi. Bát cháo cứu giúp con người ra khỏi cái đói đến chết người cũng chẳng đáng ghi lòng tạc dạ hay sao? Một miếng khi đói bằng mót gói khi no là thế! Những điều liên tưởng ở trên cho thấy cách lập ý lập tứ của thành ngữ ăn cháo đái bát vùa cụ thể vùa rất sâu sắc. Với quan niệm sâu kín đó, nhân dân đã khéo léo tạo nên một sự đối lập gắt gao giữa một bên là ân nghĩa với một bên khác là hành vi phụ bạc đến mức thô bạo nhằm toát lên giá trị phê phán của thành ngữ ăn cháo đái bát đối với những kẻ sống không có trước có sau, sống vô ơn bạc nghĩa.

“Cậu nào lấy mất bi đông người ta rồi. Chỉ được cái ăn cháo đái bát, uống cho khỏe vào rồi vất cả bi đông người ta đi”. (Lê Khánh. “Những ngày vui”).

Cùng nghĩa với ăn cháo đái bát, trong tiếng Việt còn có những thành ngữ như qua cầu rút ván, qua sông đấm vào sóng... Tuy vậy, khi sử dụng cần chú ý đến sự khác nhau rất tinh tế về sắc thái ý nghĩa của chúng.

 

Ăn chay niệm phật nói lời từ bi

Theo Phật giáo, ăn chay là ăn không quá giờ Ngọ, không ăn thịt các động vật. Niệm Phật là xưng đọc, nhớ nghĩ đến danh hiệu của Phật. Nói lời từ bi là nói những lời tâm phúc, tốt lành, thanh nhã, mang lại lợi ích cho mọi người, mọi loài, không thêu dệt, không nói dối, lật lọng, không chửi bới nguyền rủa, bởi từ là ban cho sự vui, bi là cứu cho khỏi khổ ải.

Lần giở trang sử Phật giáo, chúng ta được gặp Tuệ Viễn ở Lư Sơn (vào thế kỷ VII, đời Đường) đã có công lập ra liên xã, phổ biến phép niệm Phật, ăn chay, hướng dẫn Tịch độ. Thời ấy, Tuệ Viễn đã ra quy ước trong toàn xã ai ai cũng phải ăn chay niệm Phật và lời nói ra phải đủ đức từ bi, không được ngôn đàm hí tiếu. Thành ngữ ăn chay niệm Phật, nói lời từ bi có từ thuở đó.

Trong sử dụng ngôn ngữ, nhiều khi thành ngữ ăn chay niệm Phật, nói lời từ bi được rút gọn thành ăn chay niệm Phật. Dạng thức rút gọn này vẫn phản ánh đầy đủ ý nghĩa toàn thành ngữ.

 

Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng

Ngày trước ở nông thôn, tổng là đơn vị hành chính cấp cơ sở (theo cách nói bây giờ) bao gồm một số xã, nhiều tổng mới hợp thành một phủ (tương đương huyện bây giờ). Trong tổng, to nhất là chánh tổng rồi đến lý trưởng các làng xã và bé nhất là anh mõ làng, tức là người đàn ông cùng đinh, không có tấc đất cắm dùi, chuyên đi làm thuê và kiêm nghề làm mõ. Hễ có việc gì của làng: ma chay, đình đám, cưới xin thuế má thì anh mõ có trách nhiệm phải đi gõ mõ báo tin cho cả làng, cả xã biết. Anh mõ phải làm nhiệm vụ ấy như một nghĩa vụ với làng mà không được trả công, không được hưởng một quyền lợi gì cả. Ngoài một công cụ thông tin là cái mõ, ngày xưa còn cái tù và tức là vỏ một con ốc biển hoặc một cái sừng trâu thông hai đầu dùng hơi thổi để báo tin tức, việc làng. Việc dùng tù và đi thổi khắp làng, khắp tổng mà chẳng được hưởng lợi lộc gì chính là cơ sở để xuất hiện thành ngữ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

Thành ngữ trên thường được dùng trong tiếng Việt để nói cái ý những người làm việc công, và không được hưởng tí quyền lợi gì.

Dần dà, thành ngữ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng được mở rộng ý nghĩa ra. Tất cả những việc làm tốn công, vô ích vì không mang lại được hiệu quả gì đều có thể được ví bằng thành ngữ này.

Gần nghĩa với thành ngữ này, trong tiếng Việt còn có thành ngữ ăn cơm nhà vác ngà voi.

 

Ăn lông ở lỗ

Chuyện này dựa theo “Biên niên lịch sử”. Tuy vậy, thành ngữ “Ăn lông ở lỗ” giờ đây chỉ dành để nói những người sống theo kiểu hoang dã, sống chui rúc, bẩn thỉu, ăn sống nuốt tươi mất vệ sinh, thiếu sự hiểu biết, thiếu văn hóa.

Chuyện kể:

Cách ngày nay hơn ba triệu năm, loài người bắt đầu xuất hiện và sinh sống ở miền Đông châu Phi. Vốn là nguồn gốc từ loài vượn nên loài người lúc đó còn sinh sống trong tình trạng mông muội. Họ đi thành từng bầy đàn để hái lượm, đào bới củ cây và săn bắn thú vật để sinh sống. Công cụ của họ còn rất thô sơ, chỉ bằng những khúc gỗ và đá được đập mài. Lúc ấy chưa có lửa nên cuộc sống của họ hoang dã. Đêm đến, cả bầy kéo nhau vào hang sâu để ở. Sáng ra bắt được con thú nào họ nuốt sống ăn tươi hết cả lông, da. Một bộ tộc như thế người ta gọi là bầy người nguyên thủy.

Trải qua hàng vạn năm, người nguyên thủy tự cải biến, hoàn thiện và phát triển dần. Công cụ lao động cũng được cải tiến. Việc tìm ra lửa, biết dùng lửa và biết cách làm ra lửa là một phát minh quan trọng làm thay đổi cuộc sống ăn lông ở lỗ.

Ngày nay, con người đã trở nên văn minh. Nhưng vẫn còn có những bộ tộc lạc hậu, sống ở nơi tăm tối trong các hang động hoặc làm nhà bằng bùn đất như hang động, thức ăn phụ thuộc vào thiên nhiên sẵn có, họ chỉ quen với rừng núi. Sống như vậy vẫn mang dáng dấp của thời tiền sử “Ăn lông ở lỗ”. Thành ngữ “Ăn lông ở lỗ” có nguồn gốc từ xa xưa là vậy.

Theo "Đi tìm điển tích thành ngữ" của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn

 

Ăn ốc nói mò

Mới nghe qua dường như có thể giải thích thành ngữ ăn ốc nói mò nhờ vào quan hệ nhân quả: “Ăn ốc thì nói mò” hay “Vì ăn ốc nên nói mò”, tương tự như khi hiểu các tổ hợp từ ăn ốc lạnh bụng, uống rượu nhức đầu, hút thuốc khản giọng… Song, cái ý nói mò (tức nói đoán chừng, hú họa, không chắc trúng, vì không có đủ căn cứ để nói) của ăn ốc nói mò lại chẳng có mối liên hệ nào với việc ăn ốc cả. Nói cách khác, ở đây giữa ăn ốc và nói mò không có quan hệ nhân quả. Vậy thì, ăn ốc và nói mò kết hợp với nhau theo quan hệ gì? Và thành ngữ ăn ốc nói mò đã xuất hiện như thế nào?

Có người cho ăn ốc nói mò có xuất xứ ở việc uống rượu ăn ốc ở các quán đầu làng. Rượu vào lời ra. Người quá chén thường nói năng lung tung, hết chuyện này sang chuyện khác, đúng, sai, hay, dở, tục, thanh, không để ý tới. Cách giải thích này xem ra có một ít lí lẽ, song chưa thể yên tâm được. Nói mò trong ăn ốc nói mò không phải nói lung tung, chuyện này sang chuyện nọ như người say rượu mà là nói hú hoạ, đoán chừng về một điều cụ thể, vốn xác thực nhưng không biết hoặc chưa biết chắc chỗ đúng của điều cần nói là đâu.

Cũng có người nghĩ tới quan hệ điều kiện - giả định giữa việc ăn ốc và việc mò ốc: “muốn ăn ốc phải mò ốc” để cắt nghĩa xuất xứ của ăn ốc nói mò. Nhưng tại sao ý “muốn ăn ốc phải mò ốc” lại liên hội được với ý “nói mò, nói hú họa, nói không có chứng cứ” của ăn ốc nói mò đã nêu trên?

Chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân của thành ngữ này theo một hướng khác. Như đã biết, trong tiếng Việt có một từ mò là động từ (mò ốc, mò cua…) và một từ mò là trạng từ (nói mò, đoán mò...). Mò trong ăn ốc nói mò chính là từ mò trạng từ, chỉ cách thức hành động. Như vậy, giả định có quan hệ điều kiện giữa ăn ốc và mò ốc nêu trên là không có lí. Điều cần làm rõ ở đây là, vậy thì (nói) mò đã đi vào ăn ốc nói mò bằng con đường nào?

Trong lời ăn tiếng nói của dân gian, bên cạnh ăn ốc nói mò chúng ta còn gặp các cách nói ăn măng nói mọc, ăn cò nói bay, ăn măng nói mọc dùng chỉ sự bịa đặt, dựng chuyện, vu khống; ăn cò nói bay nói về thói chối bay, chối phắt, coi như không có, không biết điều đó có xảy ra thật. Ở hai cách nói này, gánh nặng ý rơi vào các vế sau, (nói mọc, nói bay), giống như cách nói ăn ốc nói mò. /à, vế đầu (ăn măng, ăn cò) dường như chỉ giữ chức năng cấu tạo hình thái chứ không mang chức năng biểu ý. Đây là một loại các trúc độc đáo rất hiếm thấy trong thành ngữ tiếng Việt. Có thể hình dung cơ chế tạo lập kiểu cấu trúc như sau:

1. Có một “từ” A biểu thị một hiện thực, ví dụ “mọc” trong thành ngữ ăn cò nói bay… ăn măng nói mọc biểu thị tính hay vu khống, dựng chuyện ở một loại người nào đó.

2. Do nhu cầu diễn đạt có tính hình ảnh, gây ấn tượng mạnh mẽ hơn, người ta đã tạo ra lối nói mới dựa trên khuôn mẫu của cách nói đã có trước trong ngôn ngữ. Cách nói mới này được xây dựng theo nguyên tắc:

- Tìm trong ngôn ngữ một từ (B) có quan hệ logic với A, sao cho được một quan niệm khi kết hợp với A (theo trật tự AB hoặc BA) hợp với logic nhận thức người bản ngữ. Ví dụ: nếu A là mọc thì B phải là măng (hay trăng, răng...), vì nói măng mọc (hay trăng mọc, răng mọc…) đều có thể quan niệm được. Còn nếu A là bay thì B phải là cò (chim, cờ, lá…bay) vì nói chim bay (cờ bay, lá bay)… đều hợp logic.

- Tùy vào đặc tính phạm trù của điều được nói đến và của hiện thực do B biểu đạt, tìm một hình thức (từ hoặc tổ hợp từ) có khả năng tương kết với AB (BA) theo luật này hay khác (chẳng hạn, đối với điệp) để tạo thành khuôn của cách nói mới. Chẳng hạn, điều được nói tới trong ăn măng nói mọc (ăn ốc nói mò, ăn cò nói bay,…) có thể quy vào phạm trù ứng xử nói năng, do đó, các từ được chọn làm các yếu tố cấu trúc có thể là ăn nói, lời lẽ, nói năng…

Vì B là từ chỉ sự vật thuộc phạm trù cái ăn được, nên người nói đã chọn từ ăn nói trong số các từ trên tương kết với măng mọc. Cuối cùng, dùng luật đối và điệp, vốn là biện pháp được dùng rất phổ biến trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt với tư cách là chất gắn kết các yếu tố A, B để tạo thành khuôn mới. Cụ thể ăn măng nói mọc được phân tích ra như sau: ăn nói tương kết với măng mọc nhờ luật đối và điệp tạo thành ăn măng nói mọc giống như dân gian đã dùng các từ ong bướm và lả lơi để tạo ra thành ngữ bướm lả ong lơi hoặc dùng các từ đi mây về gió. Ăn cò nói bay và ăn ốc nói mò đều được tạo thành theo con đường nói trên.

 

Ăn vóc học hay

Trong câu tục ngữ này các từ vóc và hay là những từ khó hiểu, cần được làm sáng rõ. Trước hết hay trong học hay có nghĩa là giỏi. Chúng ta cũng đã từng gặp hay theo nghĩa này qua các từ ngữ hay giỏi, hay chữ (Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy). Vì hay là một tính từ nên vóc - từ đối ứng với nó cũng phải là một tính từ. Tuy vậy trong văn học dân gian và các truyện Nôm, vóc thường xuất hiện với nghĩa danh từ để chỉ thân thể, dáng hình của con người, chẳng hạn: vóc ngọc mình vàng, lớn người to vóc, vóc sương, vóc bồ liễu... Với ý nghĩa này, vóc không tương ứng với hay trong học hay. Nhưng có lẽ trong tiếng Việt, vóc đã được chuyển nghĩa từ chỗ chỉ thân thể sang chỉ đặc tính khoẻ mạnh của con người, chẳng hạn, có vóc được dùng để chỉ "sự cao lớn chắc chắn", vóc dạc chỉ hình tích cao lớn. Do đó, câu tục ngữ ăn vóc học hay được hiểu là ăn khoẻ, học hành giỏi giang.

Cố nhiên, ăn vóc học hay thường thể hiện quan niệm và lòng mong muốn của các bậc cha mẹ đối với con cái. Họ hiểu rằng công sức, tiền của dùng để nuôi dưỡng và cho con cái ăn học cũng cốt để cuối cùng làm cho con cái mình khoẻ mạnh, khôn lớn, tuyệt nhiên là không lãng phí, vô ích. Ăn vóc học hay vì vậy trở thành niềm vui, sự động viên, lòng tin tưởng của các bậc cha mẹ đối với nhiệm vụ nuôi dạy con cái. Mở rộng ra, ăn vóc học hay cũng trở thành niềm tin của mọi người đối với công sức của mình trong việc rèn luyện và học tập. Phàm những ai biết khổ luyện và chịu khó học hành nhất định sẽ tài giỏi hơn và có cơ hội để thành đạt trong sự nghiệp và cuộc đời.

 

Thái Hà đọc và tổng hợp theo "KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ"

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN C

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN C

Chuyện kể: Đời xưa, chuột vốn là giống linh thiêng ở trời, trời giao cho chìa khóa giữ kho lúa. Lợi dụng quyền hành, chuột thường đến kho, mở khóa rả rích ăn bao nhiêu là thóc, trấu còn lại vương ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip