Thứ sáu, 29/03/2024 - 07:16

Cấu trúc tầng bậc của các đơn vị ngôn ngữ liên quan đến việc hình thành ca từ

Trong hệ thống và kết cấu của ngôn ngữ, có 4 đơn vị cơ bản là âm vị, hình vị, từ và câu...

Trong hệ thống và kết cấu của ngôn ngữ, có 4 đơn vị cơ bản là âm vị, hình vị, từ và câu.

Âm vị là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất mà người ta có thể phân ra được trong chuỗi lời nói, có chức năng nhận cảm và phân biệt nghĩa, ví dụ các âm [b], [t], [c]…

Hình vị là một hoặc chuỗi kết hợp vài âm vị, biểu thị một khái niệm. Nó là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa. Chức năng của hình vị là chức năng ngữ nghĩa (nghĩa từ vựng hoặc nghĩa ngữ pháp). Chẳng hạn ta có các hình vị /book/ và /s/ trong từ books, hình vị /bàn/ và /ghế/ trong từ bàn ghế, các hình vị khác như: /ăn/, /uống/, /ngủ/, /chơi/…

Từ là chuỗi kết hợp của một hoặc một vài hình vị. Từ có chức năng gọi tên và chức năng ngữ nghĩa.

Câu là chuỗi kết hợp của một hay nhiều từ, chức năng của nó là chức năng thông báo.

Tạm gác đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất - âm vị - sang một bên, trong tiếng Việt, ranh giới giữa hình vị - từ - tiếng - âm tiết được coi là trùng nhau nên do đó, từ và câu chính là những đơn vị cơ bản, cốt yếu trong vai trò hình thành nên hệ thống ca từ của mỗi ca khúc.

Về đơn vị từ, có thể phân loại cụ thể rõ ràng hơn theo cách chia từ làm hai nhóm lớn là thực từ và hư từ. Thực từ là những từ có ý nghĩa từ vựng, bao gồm từ đơn và từ ghép (từ phức). Hư từ là những từ chỉ có ý nghĩa ngữ pháp, chỉ có thể hoạt động bên cạnh những thực từ (ví dụ: và, rất, với, cùng, bởi vì…).

Từ đơn là những từ chỉ có một tiếng, có nghĩa, có thể hoạt động độc lập (ví dụ: ăn, chơi, ngủ, đánh…). Từ ghép lại chia thành hai loại là ghép và láy. Từ ghép gồm ba loại là đẳng lập (bàn ghế, nhà cửa, ruộng vườn…), chính phụ (xe máy, hoa hồng, đàn bầu…) và ngẫu hợp (bù nhìn, mặc cả, bồ hóng…). Từ láy gồm ba loại là láy phụ âm đầu (thiết tha, mênh mông, nhỏ nhắn…), láy vần (cự nự, bồn chồn, bứt rứt) và láy hoàn toàn (oe oe, đùng đùng, xanh xanh…).

Về đơn vị câu, dựa trên tiêu chí cấu tạo có thể chia ra hai loại câu là câu đơn và câu ghép. Câu đơn là câu chỉ có một cụm chủ vị còn câu ghép có từ hai cụm chủ vị trở lên. Câu đơn lại có thể chia nhỏ ra gồm câu đơn tối giản, câu đơn mở rộng và câu tồn tại. Câu ghép chia thành hai loại là ghép chính phụ và ghép đẳng lập. Nếu dựa trên tiêu chí mục đích nói, có thể phân chia câu thành bốn loại là: câu trần thuật, câu cầu khiến, câu biểu cảm và câu nghi vấn. Người ta cũng có thể phân chia câu thành hai nhóm là câu khẳng định và câu phủ định, hoặc câu chủ động và câu bị động.

Như vậy, chính hai đơn vị cơ bản của ngôn ngữ là từ và câu đã có vai trò làm nên một đơn vị trên câu là văn bản. Dựa trên tiêu chí phong cách chức năng, có thể chia ra nhiều loại văn bản như văn bản hành chính công vụ, văn bản báo chí, văn bản khoa học, văn bản chính luận và văn bản nghệ thuật. Hệ thống ca từ trong mỗi ca khúc có giá trị như một văn bản nghệ thuật hoàn chỉnh, được người nghệ sĩ dụng công sáng tạo, trau chuốt để hệ ca từ ấy có thể đạt hiệu quả cao nhất trong tất cả các chức năng thông báo, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mĩ.

Hệ thống từ vựng ngữ nghĩa được lựa chọn, sử dụng để làm ca từ trong một ca khúc có thể phân chia thành hai nhóm cơ bản theo tiêu chí phạm vi sử dụng là: nhóm từ vựng toàn dân và nhóm từ vựng hạn chế về mặt xã hội lãnh thổ.

Từ toàn dân được hiểu là “những từ toàn dân hiểu và sử dụng. Nó là vốn từ chung cho tất cả những người nói tiếng Việt, thuộc các địa phương khác nhau, các tầng lớp xã hội khác nhau. Đây chính là lớp từ vựng cơ bản, lớp từ vựng quan trọng nhất trong mỗi ngôn ngữ. Có thể nói từ vựng toàn dân là hạt nhân từ vựng, làm cơ sở cho sự thống nhất ngôn ngữ. Không có nó, ngôn ngữ không thể có được và do đó cũng không thể có sự trao đổi giao tiếp giữa mọi người” [21; 255-256]. Đây cũng chính là nhóm từ vựng cơ bản nhất, chủ đạo nhất được sử dụng để hình thành nên mọi loại văn bản, trong đó có văn bản nghệ thuật nói chung và văn bản ca từ nói riêng.

Nhóm từ vựng hạn chế về mặt xã hội lãnh thổ có thể chia thành năm loại là: từ địa phương không có sự đối lập với ngôn ngữ toàn dân (sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…), từ địa phương có sự đối lập với ngôn ngữ toàn dân, tiếng lóng, từ nghề nghiệp và thuật ngữ khoa học.

Trong văn bản ca từ của các ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 - 1975, nhóm từ vựng hạn chế về mặt xã hội lãnh thổ chủ yếu được sử dụng gồm nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai và nhóm thứ tư (nhóm không có sự đối lập với từ toàn dân, nhóm có sự đối lập với ngôn ngữ toàn dân và nhóm từ nghề nghiệp). Hai nhóm còn lại là nhóm tiếng lóng và thuật ngữ khoa học chưa từng thấy xuất hiện trong các văn bản ca từ ca khúc trữ tình Cách mạng Việt Nam.

Dựa theo tiêu chí tần số sử dụng, từ vựng có thể được chia thành hai nhóm là từ ngữ tích cực và từ ngữ tiêu cực. Từ ngữ tích cực là những từ ngữ quen thuộc và được sử dụng rộng rãi. Từ ngữ tiêu cực bao gồm từ ngữ cổ và từ ngữ lịch sử là những từ ít được sử dụng hoặc không được sử dụng. Những từ ngữ tiêu cực nhìn chung cũng ít xuất hiện trong các ca khúc trữ tình Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975.

Cuối cùng, dựa theo tiêu chí nguồn gốc có thể chia từ vựng thành hai nhóm là từ bản ngữ và từ ngoại lai. Tất nhiên, việc xác định bản ngữ và ngoại lai chỉ mang tính chất tương đối, vì ngôn ngữ nào trong quá trình hình thành và phát triển cũng phải tiếp thu rất nhiều yếu tố của ngôn ngữ khác để tự hoàn thiện mình. Các nhà nghiên cứu đã thống kê và chỉ ra rằng, trong hệ thống từ vựng tiếng Việt đương đại có tới 65% từ vựng có nguồn gốc từ tiếng Hán. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều từ gốc Hán trong quá trình vay mượn và sử dụng đã được Việt Hóa một cách tối đa, có thể sử dụng một cách độc lập, tự do như những từ vựng bản địa khác, chẳng hạn các từ: tuyết, học, bút, đầu… Do đó, giới nghiên cứu còn đề xuất một cặp khái niệm khác để phân loại từ vựng dựa trên tiêu chí nguồn gốc là từ bản ngữ đồng đại và từ ngoại lai đồng đại.

Trong các ca khúc trữ tình Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, những từ ngoại lai đồng đại khá hiếm hoi, chỉ thấy một vài từ mang tính chất tên riêng như Tây Pha lang (bài Hát mừng anh hùng Núp), Lê Nin (bài Tôi hát tên người đồng chí Lê Nin), Vê nê duê la (bài Lời anh vọng mãi nghìn năm), Mạc Tư Khoa (bài Hà Nội – Bắc Kinh – Mạc Tư Khoa)…

Bên cạnh việc thể hiện màu sắc vùng miền vào ca từ ca khúc qua sự đối lập từ toàn dân/từ địa phương, các nhạc sĩ còn thể hiện màu sắc vùng miền qua việc xử lí các thanh điệu mang đặc trưng của mỗi vùng phương ngữ. Đó là phương ngữ Bắc Bộ, phương ngữ Trung Bộ và phương ngữ Nam Bộ. Điều này chúng tôi sẽ nói rõ hơn trong những phần tiếp theo của luận văn.

 

***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:

"ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975"

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng - TS. Đỗ Anh Vũ

Học viên Cao học                : Đỗ Thái Hà

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học - Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội



Bài viết liên quan
Khái niệm âm tiết và cấu trúc âm tiết

Khái niệm âm tiết và cấu trúc âm tiết

Do tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn tiết và có nhiều thanh điệu nên yêu cầu kĩ thuật thanh nhạc của mỗi ca sĩ khi thể hiện phần lời ca khúc phải đảm bảo sự “tròn vành rõ chữ”...
Khái niệm ca khúc trữ tình

Khái niệm ca khúc trữ tình

Ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau...
Một số khái niệm âm nhạc cơ bản

Một số khái niệm âm nhạc cơ bản

Ca từ là phần ngôn ngữ của tác phẩm âm nhạc và phần ngôn ngữ này được đánh giá là có độ trau chuốt, gọt giũa, sáng tạo, mang những giá trị thẩm mĩ có thể tương đương với ngôn ngữ văn học...
Tình người và giá trị nhân văn trong lời ca

Tình người và giá trị nhân văn trong lời ca

Cái đau thương không thể đằm sâu mãi mà đã chuyển hóa trở thành niềm tự hào; sự hi sinh trở thành cái cao cả; và lời ca cứ ngân lên vang mãi theo giai điệu âm nhạc tràn ngập vào lòng người; đánh thức ...
Lời thơ được phổ nhạc

Lời thơ được phổ nhạc

Ca khúc hay là một ca khúc mà bản thân lời của nó đã là một bài thơ hay. Và những bài thơ hay thường dễ trở thành lời cho những ca khúc hay. Ca khúc có lời vốn là một bài thơ ta thường quen gọi là ...
Sự phù hợp về cao độ trong ca khúc

Sự phù hợp về cao độ trong ca khúc

Sự tính toán về mặt khoa học đã cho thấy những tương ứng giữa cao độ của các nốt nhạc với âm vực của các thanh điệu trong hệ thống thanh điệu của tiếng Việt. Điều này vô cùng quan trọng bởi nó liên ...
Ca khúc trữ tình cách mạng

Ca khúc trữ tình cách mạng

Nếu tính chất âm nhạc chủ yếu của những bài hành khúc là khỏe khoắn, hào hùng, thì ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau. Trong ca ...
Lí thuyết ca từ

Lí thuyết ca từ

Nói đến bài hát, không thể không nói đến lời ca. Trong ca khúc, lời ca, ca từ đóng một vai trò khá quan trọng.Lời ca, trước hết là lời, lời nói, nhưng không phải lời nói hằng ngày, mà là lời được ca ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip